Đưa chữ đến bản đuổi cái nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều học viên chia sẻ học chữ để xóa mù, biết đọc tin nhắn, thư của con gửi về, ự tay mình ký vào đơn vay vốn phát triển kinh tế...

Lớp học xóa mù chữ ở Nghệ An. Ảnh NVCC.
Lớp học xóa mù chữ ở Nghệ An. Ảnh NVCC.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, trong đó có gần 10 năm gắn bó với các lớp học xóa mù ở huyện miền núi của Nghệ An nhưng cô Thanh vẫn không khỏi xúc động mỗi khi học viên mình giảng dạy biết đọc, biết viết. Họ dùng những kiến thức học được để áp dụng vào cuộc sống.

Biết chữ để xóa nghèo

Năm 2014, cô Lê Thị Hồng Thanh – giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Cam Lâm (huyện Con Cuông, tỉnh nghệ An) cùng đồng nghiệp tham gia vận động người dân đến lớp xóa mù chữ tại bản Liên Hồng, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Quá trình đến nơi vận động, cô Thanh hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của người dân khi không biết chữ.

Thấy được sự nhiệt tình, tận tâm và tạo được lòng tin trong bà con năm đó, cô Thanh được Ban giám hiệu nhà trường động viên tham gia giảng dạy cho lớp xóa mù chữ tại bản Hồng Liên.

Cô Thanh nhớ lại: “Những năm đó để vận động người dân đến với lớp xóa mù chữ tôi và đồng nghiệp phải đến tận nhà vận động, phân tích, giảng giải cho họ hiểu để họ không mặc cảm, tự ti khi lớn tuổi rồi mới đi học. Đối với những người ngại, trốn không muốn gặp, chúng tôi phải nhờ đến cán bộ phụ nữ, già làng, trưởng bản đi vận động cùng.

Nhiều hôm, học viên bỏ học dẫu trời mưa đường lầy lội, ban đêm không thấy gì nhưng cô Thanh cùng một số học viên khác băng rừng đến tận nhà để vận động học viên đi học.

“Cũng may, người dân dần dần hiểu và không còn bỏ học nữa, lớp học cũng rôm rả, phấn chấn hơn nhiều, bản thân người giáo viên như tôi cũng được khích lệ rất nhiều”, cô Thanh kể.

Cô Lê Thị Hồng Thanh – giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Cam Lâm (huyện Con Cuông, tỉnh nghệ An) dạy cho lớp xóa mù chữ. Ảnh NVCC.

Cô Lê Thị Hồng Thanh – giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Cam Lâm (huyện Con Cuông, tỉnh nghệ An) dạy cho lớp xóa mù chữ. Ảnh NVCC.

Gần 10 năm gắn bó, dạy lớp xóa mù chữ cô Thanh hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của người không biết chữ, đặc biệt là phụ nữ. Bởi vậy, mỗi buổi học cô luôn cố gắng đơn giản hóa kiến thức để quá trình tiếp thu bài không bị nặng, cảm thấy hứng thú trong quá trình học.

Cô Thanh kể lại: “Tôi nhớ, một học viên của tôi kết thúc khóa học lên ngân hàng vay vốn để về phát triển kinh tế. Sau khi nhân viên ngân hàng làm xong thủ tục yêu cầu chị đưa tay ra điểm chỉ vào đơn vay vốn. Lúc đó, chị ấy tự tin nói tôi biết chữ, tôi có thể đọc hiểu nội dung và tự ký vào đơn không phải dùng vân tay để điểm. Nghe xong nhân viên ngân hàng rất bất ngờ bởi sự tự tin của học viên đó.

Không những vậy, nhiều người sau khi biết chữ họ còn dạy con học, khuyên con biết nâng niu giá trị của con chữ và chính con chữ thay đổi cuộc đời như thế nào”.

Được biết, lớp học xóa mù chữ do cô Thanh giảng dạy chủ yếu là học viên người đồng bào dân tộc Thái, độ tuổi ngoài 30 đến 60 tuổi.

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục Nghệ An đã xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho hơn 610 người. Học viên chủ yếu thuộc các địa bàn miền núi như là: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong.

Nỗ lực hết sức để xóa mù chữ

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Hoa, chuyên viên chính Phòng GDCN-GDTX Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, số lượng người mù chữ ở Nghệ An chủ yếu tập trung ở 6 huyện miền núi. Họ là những người đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, để công tác xóa mù chữ hiệu quả ngành Giáo dục Nghệ An đã phối hợp với các trường tiểu học, bộ đội biên phòng trong việc mở lớp.

Bà Hoa cũng cho biết: “Đối tượng mù chữ tập trung từ độ tuổi lao động, ở vùng địa hình đặc biệt khó khăn. Họ đa phần là phụ nữ, người trụ cột lao động nên việc huy động đi học rất khó.

Qúa trình vận động, các thầy cô chịu khá nhiều áp lực từ phía gia đình. Nhiều gia đình có suy nghĩ phụ nữ đã chồng, con học để làm gì?

Theo đó, chúng tôi lại phải nhờ đến sự vận động của hội phụ nữ, già làng trưởng bản, đoàn thanh niên. Bên cạnh đó, ban ngày họ đi làm ban đêm các thầy cô lại phải băng rừng đến tận nhà vận động”.

Chính từ thực tế đó, ngành giáo dục Nghệ An đặc biệt chú trọng đến lựa đội ngũ giáo viên dạy lớp xóa mù chữ.

“Chúng tôi ưu tiên những thầy cô là người đồng bào dân tộc vì họ biết ngôn ngữ, am hiểu văn hóa, tập quán của bà con để quá trình vận động cũng thuận lợi hơn.

Đồng thời, các thầy cô phải là người biết cảm thông, chia sẻ và đồng hành cùng học viên. Ngoài những giờ học, có thể chia sẻ các kỹ năng về nuôi dạy con, vướng mắc cuộc sống", bà Hoa nói.

Bản thân bà Hoa đồng hành cùng chương trình xóa mù chữ từ 2015, không ít lần bà đã rơi nước mắt khi nghe những tâm sự của các học viên tại lớp xóa mù chữ.

Bà Hoa kể: “Trong một lần lên thăm một lớp học xóa mù chữ, tôi được nghe các bạn học viên chia sẻ họ muốn biết chữ để có thể để xem được tin nhắn, đọc được thư của con từ xa gửi. Hay có thể tự mình ký vào đơn để vay vốn ngân hàng về phát triển kinh tế. Những mong muốn những tưởng rất nhỏ nhưng đối với họ thì thực sự rất lớn”.

Năm học 2021-2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; Công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, Trung học cơ sở mức độ 2.

Tỷ lệ dân số 15-25 tuổi mù chữ: 523/499.684 (0,1%).

Tỷ lệ dân số 15-35 tuổi mù chữ mức độ 2: 4336/1194119 (0,36 %).

Tỷ lệ dân số 15-60 tuổi mù chữ mức độ 2: 20.096/2.244.944 (0,9 %).

Năm học 2021-2022: Tập trung ở 03 huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong có tỷ lệ người mù chữ cao là người dân tộc thiểu số trong độ từ 35-60 tuổi: tổng số 564 học viên/39 lớp (trong đó 466 học viên /31 lớp xóa mù chữ; 98 học viên/ 8 lớp GDTTSBC).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ