Lào Cai nâng “chất” phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

GD&TĐ - UBND tỉnh Lào Cai vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ… Theo đó, vấn đề nâng cao chất lượng cho công tác này đã được các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 612 cơ sở giáo dục, trên 226 nghìn học sinh, gần 17 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gần 70% học sinh là người dân tộc thiểu số. Công tác lãnh đạo, quản lý có nhiều đổi mới;

Ban Chỉ đạo công tác giáo dục hoạt động tích cực, quyết tâm cao trong quá trình thực hiện đổi mới; tham mưu, chỉ đạo kịp thời ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, đảm bảo hoạt động giáo dục.

Quy mô giáo dục đào tạo, mạng lưới trường, lớp tiếp tục phát triển; cơ sở vật chất trường, lớp học được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hóa và chuẩn hóa; chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng vững chắc, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tiếp tục được khẳng định; giáo dục dân tộc có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì, chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở 152/152 xã, phường, thị trấn được nâng cao; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi.

Hiện nay, toàn tỉnh có 151/152 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 81 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Đối với công tác xóa mù chữ, toàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn mức độ 1; 150 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 2. Năm 2021 mở 45 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 916 học viên; trong đó đã nghiệm thu 25 lớp với 529 học viên.

Năm 2022, tỉnh tập trung vào các mục tiêu duy trì, củng cố vững chắc và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tiểu học, THCS; thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 4 tuổi.

Phấn đấu tỷ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến 18 đang học CT GDPT hoặc GDTX cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt 81%. Tỷ lệ thanh niên 18 tuổi có trình độ trung học phổ thông và tương đương đạt 62%. Toàn tỉnh có 152 xã và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác giáo dục tỉnh cho biết: Năm 2021, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác GD&ĐT của tỉnh đã đạt những kết quả quan trọng.

Năm 2022, các địa phương cần rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác giáo dục; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp; tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh vùng cao.

Các địa phương tiếp tục phát huy tinh thần chủ động kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ các trường trong đổi mới giáo dục, bố trí ngân sách xây dựng cơ sở vật chất các điểm trường còn khó khăn...

Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, thời gian tới tỉnh tiếp tục đầu tư kiên cố hóa trường lớp; thí điểm xây dựng trường trọng điểm chất lượng giáo dục tại thành phố Lào Cai; quan tâm tới công tác phân luồng, giáo dục nghề nghiệp cho học sinh.

Ngành giáo dục cần quan tâm đảm bảo kế hoạch kết thúc năm học 2021 - 2022 và chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023; đặc biệt, quan tâm triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi; nâng cao hiệu quả xóa mù chữ, không để gia tăng tình trạng tái mù chữ sau khi xóa mù chữ; đánh giá lại các mô hình giáo dục để nhân rộng nâng cao hiệu quả giáo dục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ