Dự thảo Thông tư về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Khích lệ trò nỗ lực phấn đấu

GD&TĐ - Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh vừa được Bộ GD&ĐT ban hành có nhiều điểm mới, thu hút sự quan tâm của dư luận...

UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) trao thưởng cho học sinh tiêu biểu năm học 2023 - 2024. Ảnh: TG
UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) trao thưởng cho học sinh tiêu biểu năm học 2023 - 2024. Ảnh: TG

Phát huy vai trò kỷ luật tích cực

Với hơn 20 năm gắn bó với ngành Giáo dục, thầy Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo đưa ra các hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp với học sinh tiểu học.

Các hình thức kỷ luật sẽ giúp học sinh có ý thức hơn trong vai trò người học; tạo điều kiện để trò tự giác sửa đổi những lỗi vi phạm để ngày càng hoàn thiện về đạo đức, tác phong.

Dự thảo cũng chú trọng hình thức kỷ luật tích cực một cách rõ ràng, cụ thể nhằm giáo dục uốn nắn những học sinh vi phạm. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay nhằm tôn trọng người học. Đây là điều hoàn toàn mới so với trước đây và sẽ được nhiều giáo viên, phụ huynh quan tâm.

Tuy nhiên, mục 4a Điều 9 của dự thảo yêu cầu: Học sinh viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm.

“Khi thực hiện điều này, giáo viên cần chú ý số lần viết. Nếu lạm dụng, viết quá nhiều sẽ gây phản ứng trái chiều và phản tác dụng về hình thức kỷ luật tích cực”, thầy Vũ Hoàng Sơn góp ý.

Để hiểu rõ hơn nội dung dự thảo, Trường Tiểu học Phú Nham (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân, thầy cô đều nhận thấy, các nội dung về khen thưởng có tính toàn diện, cụ thể hơn so với Thông tư 08/1988 của Bộ GD&ĐT. Dự thảo đáp ứng được tính linh hoạt cũng như khích lệ học sinh phấn đấu tốt hơn ở các mặt giáo dục.

Dự thảo thông tư đã mở rộng đối tượng và hình thức khen thưởng đối với học sinh có thành tích trong học tập, rèn luyện đạo đức, thể dục thể thao, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tham gia các phong trào thi đua, hoạt động xã hội và có đóng góp tích cực cho nhà trường, địa phương, cộng đồng.

“Đồng thời, dự thảo quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khen thưởng, đảm bảo công khai, minh bạch và khách quan. Khuyến khích các hình thức khen thưởng mang tính giáo dục cao, phù hợp lứa tuổi và tâm lý học sinh như: Giấy khen, biểu dương trước tập thể, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích là điều vô cùng cần thiết”, cô Ngân đánh giá.

Là giáo viên tại Trường Tiểu học Tân Dân (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), cô Nguyễn Thị Nguyệt nhấn mạnh, nội dung của dự thảo nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm nội quy, quy định, quy chế của nhà trường, quy định của pháp luật; giáo dục, giúp đỡ để học sinh tự giác điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác tu dưỡng, rèn luyện để tiến bộ.

Dự thảo cũng tôn trọng, bao dung, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh với các vấn đề liên quan. Đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, giới tính, thể chất; không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, thể chất và tinh thần của học sinh.

Hướng đến tính nhân văn

du thao thong tu ve khen thuong ky luat hoc sinh (2).jpg
Thầy Vũ Hoàng Sơn - Trường Tiểu học Bình Hòa, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TG

Ngoài ra, cô Nguyệt cho rằng, với học sinh và đội tuyển ôn luyện để thi từ cấp huyện trở lên nếu không đoạt giải thì ban tổ chức hoặc nhà trường nên có giấy chứng nhận đã tham gia kỳ thi cho các em. Điều này giúp học trò có động lực phấn đấu tiếp và cũng là ghi nhận quá trình nỗ lực của các em.

“Thực tế cho thấy, đã là cuộc thi thì sẽ có người thắng, người thua. Trong số người thắng cuộc chưa hẳn đã xuất sắc 100% mà còn có phần may mắn. Ngược lại, những người thua chưa hẳn do trình độ hoặc năng lực kém mà cũng có phần rủi ro”, cô Nguyễn Thị Nguyệt phân tích.

Là cán bộ quản lý cấp học cao nhất ở bậc phổ thông, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) khẳng định, quy định hình thức khen thưởng, đặc biệt là khen thưởng vượt cấp giúp học sinh có thêm động lực học tập. Bãi bỏ một số hình thức kỷ luật với học sinh dưới 16 tuổi thể hiện tính nhân văn và giáo dục cao.

Theo cô Hải, dự thảo Thông tư hướng đến khen thưởng học sinh bằng các hình thức mang tính giáo dục, giúp trò ý thức được giá trị bản thân và phấn đấu học tập, rèn luyện tốt hơn. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đến công tác giáo dục đạo đức, rèn luyện học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Điều 18 dự thảo quy định về trình tự, thẩm quyền kỷ luật học sinh nêu rõ, căn cứ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm của học sinh và đề nghị của giáo viên chủ nhiệm lớp, Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng kỷ luật đối với học sinh.

Hội đồng kỷ luật với học sinh được thành lập chậm nhất không quá 10 ngày, kể từ ngày xác định cụ thể hành vi vi phạm của học sinh hoặc từ ngày nhận được kết luận, quyết định của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của học sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế nhằm tăng tính giáo dục các em có vi phạm.

Cô Lê Thị Phương Châu - giáo viên Trường Tiểu học An Cựu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, những quy định trong dự thảo lần này khá chi tiết và rõ ràng. Đặc biệt, thấy rõ quyền lợi của học sinh khi được đề xuất trình lên các cấp khen thưởng (ngoài nhà trường) khi có thành tích đặc biệt xuất sắc. Các mức kỷ luật cũng chi tiết và phù hợp với học sinh.

“Bỏ hình thức phê bình học sinh trước lớp, toàn trường là hướng đến sự trưởng thành cả kiến thức, tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho học sinh. Dự thảo quy định không áp dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp, đình chỉ học tập có thời hạn đối với học sinh tiểu học là rất nhân văn”, cô Lê Thị Phương Châu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ