Dự thảo sửa đổi Luật giáo dục Đại học: Cần thiết nâng chuẩn giảng viên đại học

GD&TĐ - Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) đã điều chỉnh một số quy định về cơ chế chính sách chức danh giảng viên ĐH; đáp ứng yêu cầu thực tế, tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên học tập nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, giảng dạy. PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Dự thảo sửa đổi Luật giáo dục Đại học: Cần thiết nâng chuẩn  giảng viên đại học

Mở rộng quyền và trách nhiệm giảng viên

Thưa ông, Dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi bổ sung có điều chỉnh một vài quy định về chuẩn trình độ giảng viên ĐH. Khi nghiên cứu Dự thảo này thì ông thấy có điểm mới gì về quy định giảng viên ĐH?

Dự thảo Luật GD ĐH có rất nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến các trường, trong đó nói về quy định đối với giảng viên, tôi thấy có 3 điểm chính:

Thứ nhất, từ trước đến nay vẫn có 5 chức danh của giảng viên. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lần này đã quy định rõ hơn. Đây là 5 chức danh nghề nghiệp của giảng viên chứ không còn là quy định chức danh nói chung như trước đây. Như vậy nếu áp dụng thì sẽ không còn tình trạng tranh luận như trước đây là làm giáo sư nhưng không phải là người đi giảng.

Điểm thứ hai là khi mà một giảng viên ĐH có đủ tiêu chuẩn, trình độ nào thì sẽ được quy định bổ nhiệm vào ngạch đó. Đây gần như sẽ được áp dụng tự động. Những người nào phấn đấu tốt, có năng lực tốt thì tự động sẽ được xếp vào những ngạch có thể là cao hơn chứ không nhất thiết theo tuần tự như trước đây. Đi kèm theo đó người ta sẽ được hưởng các chế độ. Ví dụ như khi có chế độ hưởng lương theo ngạch thì người ta phấn đấu tốt, vào ngạch đó sẽ được hưởng chế độ cao hơn.

Điểm thứ ba là trong Dự thảo Luật lần này cũng đã quy định bổ sung thêm những quyền hạn và trách nhiệm của giảng viên. Ví dụ như giảng viên ĐH bắt buộc phải có hoạt động thực tiễn, chứ không dừng lại là giảng dạy nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên trong nhà trường như trước đây.

Giảng viên ĐH bắt buộc phải tham gia và có khả năng tham gia để xây dựng phát triển các chương trình đào tạo. Quy định này làm cho giảng viên phải có được những kiến thức thực tế tốt hơn. Phải nắm được thực tiễn đang yêu cầu cái gì để xây dựng chương trình đào tạo và giảng dạy đào tạo những vấn đề phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó quyền của giảng viên cũng được mở rộng hơn để tham gia vào những cơ sở này. Ví dụ trước đây giảng viên chỉ được kí hợp đồng để thỉnh giảng, để nghiên cứu khoa học với các cơ sở GD-ĐT thì bây giờ được quyền ký hợp đồng và nghiên cứu với tất cả các cơ quan khác ngoài xã hội.

Đòi hỏi cao hơn về năng lực và trình độ

Trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật GD ĐH cũng yêu cầu giảng viên giảng dạy trình độ ĐH phải là thạc sĩ thay vì cử nhân như trước đây. Giảng dạy thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh phải là tiến sĩ hoặc phó giáo sư. Theo ông điều này sẽ tác động thế nào đến đội ngũ giảng viên cũng như chất lượng giảng dạy?

Trong Dự thảo Luật lần này quy định về tiêu chuẩn giảng viên trong mỗi hệ đào tạo là có chặt chẽ hơn. Trước đây có nói giảng viên giảng dạy ĐH thì phải là thạc sĩ, giảng dạy sau ĐH thì phải là từ tiến sĩ trở lên; tuy nhiên vẫn còn có những điểm chưa thực sự chặt chẽ bắt buộc. Lần này thì Dự thảo đã đề xuất rõ quy định đây là điều kiện bắt buộc, tối thiểu phải có. Như vậy, khi tuyển dụng, các cơ sở đào tạo phải dựa vào tiêu chuẩn tối thiểu này, chứ không như trước đây chỉ cần có bằng ĐH trở lên. Bây giờ thì ứng viên được tuyển dụng vào trường ĐH tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ, ưu tiên trình độ cao hơn (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư).

Điều kiện này sẽ giúp cho đội ngũ giảng viên cũng đạt được trình độ giống như yêu cầu về đội ngũ giảng viên của các nước trên thế giới. Khi đó, quá trình đào tạo của Việt Nam sẽ tương đồng với các nước trên thế giới, tạo tính hội nhập. Hiện nay, các trường ĐH phải có khả năng liên thông chương trình đào tạo để chúng ta đào tạo ngang với các trường trên thế giới. Muốn ngang với các trường trên thế giới thì trước hết trình độ giảng viên phải ngang bằng.

Theo ông, những điểm mới này sẽ tác động thế nào đến chất lượng giảng dạy của bậc ĐH?

Khi chúng ta quy định rõ giảng viên phải đạt được những chuẩn này thì mới được giảng dạy. Như vậy bắt buộc giảng viên phải liên tục phấn đấu.

Bên cạnh đó, nếu muốn đảm nhận vị trí giảng dạy ở những công việc cao hơn thì phải phấn đấu vào ngạch cao hơn. Muốn phấn đấu ngạch cao hơn thì phải tiếp tục học tập nghiên cứu. Đứng về mặt nâng cao trình độ chuyên môn, học thuật, lí thuyết thì giảng viên phải liên tục chứ không phải như trước đây cứ làm việc lâu năm thì sẽ tự động nâng lương bậc.

Ngoài ra, giảng viên phải có nghĩa vụ trách nhiệm trong việc tham gia các hoạt động thực tiễn, phải là người tư vấn cho hoạt động thực tiễn. Đồng thời phải là người có khả năng xây dựng chương trình đào tạo. Từ trước đến nay vẫn hay nghĩ rằng người thầy là những người đi truyền thụ kiến thức cho người học; có nghĩa là người ta có kiến thức nào, hiểu biết gì thì truyền đạt lại cái đấy cho người học. Việc này đôi khi không phù hợp với sự biến chuyển trong thực tiễn, mà thực tiễn thì thay đổi rất nhiều, yêu cầu những điều mà trong sách không cần thiết, không đáp ứng được. Bây giờ, giáo viên phải dạy những gì thực tiễn cần, dạy những gì sẽ áp dụng vào thực tiễn. Những gì thầy cô biết nhiều đến mấy, hay đến mấy, nhưng thực tiễn không cần, không áp dụng được vào thực tiễn, thì cũng không đưa vào giảng dạy.

Như vậy, trình độ người thầy phải liên tục tăng lên. Người thầy sẽ giảng dạy những gì đáp ứng đúng nhu cầu của người học, đúng nhu cầu thực tiễn. Từ đó, chất lượng GD sẽ đáp ứng được mong mỏi của xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Nếu đưa chuẩn giảng viên ngang với quốc tế thì rất dễ dàng các trường có thể trao đổi quá trình giảng dạy; giáo viên Việt Nam có thể sang nước ngoài, giáo viên nước ngoài có thể sang Việt Nam; HSSV trong nước có thể ra nước ngoài học và người ta được thừa nhận những tín chỉ đó. Nếu chúng ta đưa ra những điều kiện này thì đây là yếu tố bắt buộc phấn đấu của mọi giảng viên. Khi trình độ giảng viên nâng lên thì chắc chắn năng lực đào tạo sẽ nâng cao. PGS.TS Hoàng Văn Cường

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ