Tuyển chọn qua 2 vòng: sơ tuyển và thi tuyển
Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 23. Tuyển sinh vào lớp đầu cấp trường chuyên
1. Nguyên tắc tuyển sinh
a) Tuổi của học sinh trường chuyên thực hiện theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
b) Đảm bảo lựa chọn được những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả học tập xuất sắc ở cấp trung học cơ sở, đủ năng lực học lớp chuyên;
c) Bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng.
2. Kế hoạch tuyển sinh hằng năm
a) Trường chuyên thuộc tỉnh: Sở giáo dục và đào tạo trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên;
b) Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học: Hiệu trưởng trường chuyên trình người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên;
c) Chậm nhất trước ngày thi tuyển 60 ngày, trường chuyên thông báo tuyển sinh bằng văn bản đến các cơ quan quản lý giáo dục, các trường học có đối tượng dự thi và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển
Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên (gọi chung là cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên) quy định về việc đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển.
4. Tổ chức tuyển sinh
a) Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định tại khoản 3 Điều này;
Việc sơ tuyển để chọn học sinh tham gia thi tuyển vòng 2 được căn cứ vào các tiêu chí sau:
Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế;
Kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực 4 năm cấp trung học cơ sở;
Kết quả tốt nghiệp trung học cơ sở;
Kết quả đánh giá các chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) và các chỉ số đánh giá trí tuệ khác (nếu có tổ chức đánh giá).
Cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên quy định cách thức quy ra điểm và mức điểm sơ tuyển cần đạt của các tiêu chí để chọn học sinh vào thi tuyển vòng 2.
b) Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.
Việc thi tuyển có thể tổ chức độc lập hoặc kết hợp với kỳ thi tuyển sinh vào lớp đầu cấp THPT hàng năm.
Cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên quy định: môn thi, hình thức thi và thời gian làm bài của mỗi môn thi theo từng lớp chuyên; hệ số điểm bài thi, điểm xét tuyển vào lớp chuyên và lớp không chuyên thuộc trường chuyên.
Người đứng đầu cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên ra quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo.
Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi được vận dụng theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành.
Người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên duyệt danh sách học sinh trúng tuyển vào trường chuyên.
5. Báo cáo kết quả thi tuyển sinh
Chậm nhất vào ngày 30/8 hằng năm, cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên báo cáo kết quả tuyển sinh với Bộ GD&ĐT.
Hồ sơ báo cáo gồm: Kế hoạch tuyển sinh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo kết quả tuyển sinh gồm: môn thi, hình thức thi và số lượng học sinh trúng tuyển vào mỗi lớp chuyên; cách thức xét tuyển và số học sinh trúng tuyển vào lớp mỗi lớp không chuyên (nếu có); đánh giá kết quả tuyển sinh (ưu điểm, hạn chế) và những đề xuất với Bộ GD&ĐT.
Có thể tổ chức thi tuyển bổ sung vào các lớp chuyên
Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 24. Tuyển bổ sung vào lớp chuyên
1. Hằng năm, trường chuyên có thể tổ chức thi tuyển bổ sung vào các lớp chuyên.
2. Người đứng đầu cơ quan quản lí trực tiếp trường chuyên quyết định việc tuyển bổ sung, quy định về điều kiện dự tuyển bổ sung, môn thi và tổ chức thực hiện".