Bộ GD&ĐT tập huấn cán bộ quản lý trường THPT chuyên

Bộ GD&ĐT tập huấn cán bộ quản lý trường THPT chuyên

(GD&TĐ) - Trong 2 ngày 24 - 25/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì Hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý (CBQL) trường THPT chuyên năm 2013. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Sở GD&ĐT, phòng GD phổ thông, Hiệu trưởng trường chuyên 63 tỉnh, thành.

Hội thảo lần này nhằm đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án 959 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống trường THPT chuyên toàn quốc đến năm 2015. Đồng thời quán triệt Nghị quyết T.Ư khóa 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có hệ thống trường chuyên; tăng cường mối liên kết các trường chuyên thông qua câu lạc bộ Hiệu trưởng trường chuyên toàn quốc.

Thành quả đã đạt được

Vụ trưởng Vụ GD Trung học Vũ Đình Chuẩn đã báo cáo trước Hội thảo: Trong 3 năm triển khai Đề án, hệ thống trường THPT chuyên cả nước đã có những chuyển biến đáng kể. CSVC ngày càng khang trang, chất lượng dạy và học được nâng lên một bước. Các hoạt động trong nhà trường không ngừng đổi mới.

Hệ thống trường chuyên được mở rộng về qui mô trường lớp. Nếu như năm 2009 nước ta chỉ có 68 trường chuyên, 7 khối chuyên với 50.164 HS thì năm học này có 74 trường và 4 khối chuyên, 56.936 HS, chiếm 2,1% tổng số HS THPT toàn quốc, đảm bảo 100% các tỉnh, thành có trường chuyên.

Đến nay 37 trường chuyên đạt chuẩn quốc gia, có 9 trường được xây mới. Trong giai đoạn từ 2010 -2013, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng kinh phí đầu tư CSVC gần 750 tỉ đồng, gần 160 tỉ cho thiết bị dạy học, hơn 33 tỉ dành đào tạo, bồi dưỡng CBQL, GV. Do đó, thiết bị dạy học tại các trường chuyên đã được ưu tiên mua sắm, bổ sung hàng năm theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Trình độ đào tạo, bồi dưỡng CNQL và GV trường chuyên được chú trọng. Đến nay, CBQL trình độ T.S, thạc sĩ đạt gần 64%, tỷ lệ này ở GV là hơn 44%. Cùng với việc bồi dưỡng về chuyên môn, các trường đã coi trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ Tin học, Ngoại ngữ cùng với việc tập huấn cho GV dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh.

Được quan tâm và đầu tư, chất lượng dạy và học của trường chuyên đã nâng cao, đặc biệt là chất lượng thi HSG. Từ năm 2011 thi HSG môn Ngoại ngữ HS dự thi 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Năm 2012 tổ chức thi thực hành, thí nghiệm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.

Tham gia Olympic khu vực và quốc tế, các đoàn HSG Việt Nam nhìn chung đều đạt kết quả khả quan, xếp thứ hạng cao qua nhiều kỳ thi với những gương mặt HS xuất sắc. Trong hai năm liên tiếp 2012, 2013 tất cả HS 5 đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế đều đoạt huy chương, nhất là đội tuyển Toán hiện vươn lên đứng thứ 7/10 quốc gia có thành tích xuất sắc nhất.

3 năm qua cả nước có 70/76 trường/khối chuyên thường xuyên vào top 200 trường THPT có điểm trung bình thi ĐH cao nhất, đặc biệt trong đó có 58 trường lọt top 100.

Góp ý phát triển trường chuyên

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã có những kiến nghị, đề xuất nhằm củng cố, phát triển hệ thống trường chuyên cả nước tốt hơn trong giai đoạn tới.

Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) - thầy Cao Xuân Hùng - nhấn mạnh: Sở dĩ trong 4 năm liên tục Nam Định có kết quả thi HSG nằm trong top 5 toàn quốc là do nhà trường bám sát nhiệm vụ, tạo sự đồng thuận và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, HS; Xây dựng được phong trào học tập, nâng cao chất lượng GD toàn diện, phát hiện, chú trọng tuyển chọn, bồi dưỡng HSG; Biết cách quan tâm, khích lệ HS kịp thời…

Là Hiệu trưởng Trường chuyên Quốc học Huế - thầy Bửu Tuấn - mong muốn nếu tổ chức thi kỹ năng nói cho HSG thì nên để GV người nước ngoài chấm vì GV Việt Nam đến từ nhiều vùng miền khác nhau nên cách phát âm có phần khác nhau.

Một số đại biểu đến từ Phú Yên, Đồng Tháp, Quảng Ngãi mong muốn nên tăng điểm môn chuyên, tối thiểu là 4 điểm, còn để 6 điểm thì quá cao, mà 2 điểm thì quá thấp, chất lượng đầu vào không đảm bảo.

Nhiều đại biểu tán thành việc tăng cường dạy Toán, các môn Khoa học bằng tiếng Anh cho HS trường chuyên. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại và nhiều năm nữa của các địa phương đó chính là thiếu đội ngũ GV. Nên chăng tuyển chọn SV xuất sắc trong các trường ĐH để đào tạo thì mới tạo ra được thế hệ GV giỏi, tài năng, có chuyên môn khoa học tự nhiên. Một số ý kiến đề nghị Bộ tăng cường tập huấn đội ngũ, đặc biệt có thể giới thiệu GV bản ngữ đi tập huấn địa phương.

Chiều nay (24/12), Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển sẽ phát biểu tại Hội thảo.

Phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2015 của trường chuyên:

Quán triệt thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ CBQL, GV; Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng và hiệu quả GD các trường chuyên; Đổi mới tuyển sinh và thi HSG; Đổi mới công tác quản lý; Tăng cường CSVC, thiết bị dạy học;  Nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các chính sách về hoạt động của trường THPT chuyên.

Việt Hoa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ