Là hiệu trưởng ngôi trường có bề dày truyền thống và chất lượng giáo dục toàn diện, luôn tự tin ở chất lượng của mình, khi nghiên cứu Dự thảo về Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Phước Bửu Tuấn khá sôi nổi bày tỏ chính kiến về những ưu điểm nổi bật của Dự thảo. Xin ghi lại toàn bộ ý kiến trao đổi của ông:
Tôi rất mừng khi Dự thảo về Quy chế tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản đặt ra của Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Dự thảo về Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có mấy ưu điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, cách thức tổ chức thi theo cụm chứ không phải tổ chức thi theo địa phương như trước đây chắc chắn kết quả kỳ thi để xét tốt nghiệp và vào đại học, cao đẳng chắc chắn rồi đây sẽ thực chất hơn.
Khi học sinh của 2 tỉnh khác nhau vào một phòng thi thì tâm lý sẽ khác rất nhiều với việc nhiều học sinh cùng một trường vào một phòng thi.
Từ việc lấy kết quả thực chất để đánh giá thì chắc chắn sẽ tạo ra động lực để giáo viên phải dạy thật, phải giúp học sinh nắm vững được kỹ năng vận dụng kiến thức trong thi cử.
Tôi nghĩ học sinh phải học lực trung bình trở lên mới tốt nghiệp được. Từ đó, kỳ thi sẽ giảm dần tới chỗ khắc phục được hiện tượng tiêu cực.
Thứ hai, việc đưa môn ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc chứ không là tự chọn là hướng tới đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân đúng theo mục tiêu của Đề án 2020.
Học sinh sẽ ý thức được tầm quan trọng của việc ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển. Đề thi chắc chắn cũng sẽ phân hóa được các cấp độ kiến thức của học sinh; chỉ cần các em nắm bắt được những kiến thức cơ bản là tốt nghiệp được; còn học sinh khá, giỏi thì sẽ đạt điểm cao hơn.
Thứ ba, thang điểm 20 là phù hợp. Vì nếu bó hẹp ở thang điểm 10 thì khó chấm tiểu tiết. Điểm 0,25 của 10 khác với 0,25 của 20 chứ. Giáo viên chấm sẽ phải tập chi tiết hơn, như thế sẽ tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Em Đoàn Quốc Hoài Nam - Học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế, tặng sách, vở ghi môn Hóa học cho thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn. |
Thứ tư, với nhiều nguyện vọng, học sinh có nhiều cơ hội để chọn trường; học sinh trường chuyên càng có cơ hội nhiều hơn vì đậu được nhiều khối thi.
Kỳ thi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi tiết kiệm được quãng đường đi, không phải đi thi xa như trước đấy, vừa đỡ tốn kém, lại vừa đỡ vất vả.
Cuối cùng, tựu trung lại, việc tổ chức kỳ thi hai trong một, vừa xét được tốt nghiệp, lại vừa phân hóa được, có căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ đặt đúng vai trò, vị trí của trường phổ thông trong dạy và học, là động lực để các trường dạy tốt, học tốt hơn.
Muốn hay không muốn thì việc xét học bạ của học sinh cũng buộc các trường phải dạy và học tốt hơn và tránh học lệch. Trước đây, học sinh thường cứ quan tâm tới ba môn Toán, Lý, Hóa để thi vào đại học; nay muốn có cơ hội vào các trường theo nguyện vọng thì phải học đều các môn.
Nếu còn điều gì đó quan tâm thì đó là việc ra đề như thế nào để đáp ứng yêu cầu phân hóa, đúng tính chất một kỳ thi kép và làm thế nào để giảm tỉ lệ ảo cho các trường đại học, cao đẳng mà thôi.