Dự thảo Quy chế thi đảm bảo quyền lợi học sinh

GD&TĐ - Tán thành nhiều đề xuất trong Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến công luận, NGƯT. PGS. TS Triệu Văn Cường, Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, nêu nhận xét:

Dự thảo Quy chế thi đảm bảo quyền lợi học sinh

Lịch thi tạo thuận lợi lớn cho cả HS lẫn các nhà trường

Là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy nên việc Bộ GD&ĐT lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội đã cho thấy sự cầu thị và rất tôn trọng những ý kiến đóng góp trực tiếp của những người trong cuộc.

Dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy vừa được đưa ra đã thể hiện đúng tinh thần đó. Những phản hồi từ xã hội, những góp ý từ các chuyên gia giáo dục, các nhà trường và trực tiếp giáo viên đứng lớp, học sinh – sinh viên đã được thể hiện bằng các nội dung chi tiết trong Dự thảo, theo hướng đảm bảo kế thừa những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã rất thành công những năm qua.

Về thời gian tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015, tôi cho là thích hợp. Vì đây là Kỳ thi THPT quốc gia tích hợp cả nội dung xét tuyển ĐH, CĐ nên thời gian tổ chức Kỳ thi vào thời điểm này sẽ tạo điều kiện cho học sinh có thêm thời gian ôn luyện kiến thức, các nhà trường cũng có thêm thời gian chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi.

Việc quy định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao cho các trường ĐH chủ trì với sự tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT là hợp lý. Các trường ĐH sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này vì có tổ chức được kỳ thi nghiêm túc, công bằng và chính xác thì cũng là giúp những trường này chọn lựa đúng người học hơn.

Dự thảo Quy chế cũng thể hiện rõ các nội dung đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Cụ thể, sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ. Quy định như vậy sẽ giúp thí sinh có thời gian lựa chọn đăng ký xét tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình.

Thêm nữa, quy định này cũng giúp các trường ĐH, CĐ tuyển được người học đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các ngành đào tạo. Một quy định có tác động kép là vừa giúp các trường có nguồn tuyển tốt hơn, đồng thời cũng giúp thí sinh tránh những rủi ro như những năm trước, có trường hợp điểm thi cao nhưng vẫn trượt ĐH do ngành mình đăng ký nguyện vọng lại có điểm cao hơn, trong khi đó quy chế không cho phép thí sinh chuyển đổi.

NGƯT. PGS. TS Triệu Văn Cường - Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội
 NGƯT. PGS. TS Triệu Văn Cường - Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội

Tính liên kết trách nhiệm cao

Một điểm mới tôi cho là hết sức ý nghĩa, đó là Quy chế đưa ra quy định các trường ĐH, CĐ có quyền tự lựa chọn các môn thi để tuyển sinh thay cho các môn thi theo khối mà Bộ GD&ĐT quy định chung cho tất cả các trường như trước đây.

Có thể nhận thấy, nội dung này là đã thể hiện tinh thần đổi mới rõ nét, nó phù hợp với tinh thần Luật Giáo dục Đại học trong đó các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh, đồng thời cũng thể hiện tính thực tiễn cao, vì với cách làm này, các trường sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội đang đặt ra ngày một cấp thiết.

Cuối cùng, Dự thảo Quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đã thể hiện tính liên kết trách nhiệm cao. Với chức trách của mình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia để chỉ đạo thi trong phạm vi cả nước.

Trách nhiệm tổ chức thành công Kỳ thi cũng được chia sẻ cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi đặt cụm thi thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho Kỳ thi.

Cần phải thấy rằng với Kỳ thi THPT quốc gia mang mục đích “2 trong 1” nên trách nhiệm của các bên liên quan cần phải thể hiện rõ. Nếu cấp Trung ương, cấp tỉnh là trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc thực hiện thì trách nhiệm của cấp Sở GD&ĐT lại càng quan trọng hơn khi trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức cho thí sinh dự thi cũng như việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho Kỳ thi và phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi tổ chức Kỳ thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ