Dự thảo lấy ý kiến từ 26/9/2016 và ngày hết hạn lấy ý kiến vào 26/11/2016. Thông tư này áp dụng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi chung là trường) có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định. Thông tư không áp dụng cho việc tuyển sinh trình độ sơ cấp, tuyển sinh theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, đi học ở nước ngoài và đào tạo thường xuyên.
Tổ chức tuyển sinh quanh năm
Theo dự thảo, các trường có thể tổ chức một hoặc nhiều đợt tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc công tác tuyển sinh chậm nhất trước ngày 31/12 hàng năm. Thời gian tuyển sinh, số đợt tuyển sinh trong năm do Hiệu trưởng các trường quyết định.
Việc tổ chức tuyển sinh được thực hiện trên cơ sở chỉ tiêu tuyển sinh đã được xác định theo quy định. Chỉ tiêu tuyển sinh của năm nào chỉ được áp dụng trong năm đó.
Nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển
Duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển.
Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng khác ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.
Những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành hoặc nghề cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành hoặc nghề đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống.
Việc thêm các tổ hợp môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc:
Sử dụng kết quả của ít nhất 3 môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn Toán và Ngữ văn để xét tuyển; các môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của chuyên ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành;
Đối với trường có ngành năng khiếu, sử dụng kết quả thi của ít nhất một môn văn hoá kết hợp với kết quả các môn thi năng khiếu để xét tuyển.
Tùy theo yêu cầu của ngành hoặc nghề đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển CĐ, TC Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.
Trường đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 5,5 đối với hệ CĐ (theo thang điểm 10).
Đối với trường xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung cấp vào các ngành học trình độ CĐ, phải quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh cách thức xét tuyển vào ngành hoặc nghề học phù hợp và các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đối với các ngành năng khiếu thuộc khối ngành văn hóa - nghệ thuật, điểm xét tuyển của các môn văn hóa phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu để hoàn thành chương trình phổ thông và được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận...
Xem toàn văn dự thảo TẠI ĐÂY