Dự thảo Nghị định của Luật Giáo dục: Những chi tiết không thể bỏ qua

Dự thảo Nghị định của Luật Giáo dục: Những chi tiết không thể bỏ qua

Theo đó Nghị định bảo đảm tính phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan. Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương và 13 điều.

Danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự, thời gian nghỉ hè

Chương I quy định chung, gồm 5 điều quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự, thời gian nghỉ hè của nhà giáo.

Đối với quy định phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự: Hiện nay được quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 31/2011/NĐ-CP, Nghị định số 07/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 26/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn về trình tự, thủ tục phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự. Dự thảo Nghị định đã kế thừa và nâng các quy định còn phù hợp tại các văn bản nêu trên thành các quy định của Nghị định;

Đối với thời gian nghỉ hè của nhà giáo: Hiện nay được quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) mầm non; Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với GV phổ thông và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với GV phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT; Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH ban hành Thông tư quy định chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Đối với giảng viên của cơ sở giáo dục ĐH, Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giảng viên: “Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1.760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định”.

Để đảm bảo sự ổn định trong việc thực hiện quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo, dự thảo Nghị định đã nâng các quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo tại các Thông tư nêu trên thành các quy định của Nghị định. Đồng thời, quy định căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn; căn cứ điều kiện của trường trung cấp, trường CĐ, hiệu trưởng nhà trường quyết định thời gian nghỉ hè của nhà giáo.

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

Chuyển đổi trường tư thục sang tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

Chương II quy định về chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, gồm 3 điều (từ Điều 6 đến Điều 8).

Chương này quy định về nội dung, thẩm quyền, hồ sơ và quy trình chuyển đổi trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) tư thục sang trường mẫu giáo, trường mầm non tư thục, cơ sở GDPT tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Dự thảo Nghị định không quy định việc chuyển đổi trường trung cấp, CĐ và cơ sở giáo dục ĐH vì đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH).

Việc chuyển đổi được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Giáo dục: Chỉ chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; thực hiện quy định của điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của loại hình nhà trường ở mỗi cấp học, trình độ đào tạo; bảo đảm quyền của GV, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và người học; không làm thất thoát đất đai, vốn và tài sản.

Học bổng và miễn, giảm giá dịch vụ công cộng cho HSSV

Chương III quy định về học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho HSSV, gồm 3 điều (từ Điều 9 đến Điều 11).

Đối với quy định học bổng khuyến khích học tập (Điều 9): Hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 44/2007/QĐ-BGDĐT về học bổng khuyến khích học tập đối với HSSV trong các trường chuyên, trường năng khiếu, các cơ sở giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 31/2013/TT-BGDĐT). Dự thảo Nghị định đã nâng các quy định tại các văn bản nêu trên thành các quy định của Nghị định và giữ nguyên mức học bổng khuyến khích học tập theo quy định hiện hành.

Đối với quy định học bổng chính sách (Điều 10): Hiện nay được thực hiện theo quy định tại: Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg về học bổng và trợ cấp xã hội đối với HSSV các trường đào tạo công lập; Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với HSSV là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg; Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với HSSV là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập;

Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg về học bổng chính sách đối với HSSV học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg về học bổng chính sách đối với HSSV học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Dự thảo Nghị định đã rà soát và nâng các quy định về học bổng chính sách đối với HSSV tại các văn bản nêu trên thành các quy định của Nghị định, đồng thời, giữ nguyên mức học bổng chính sách theo quy định hiện hành.

Đối với quy định miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho HSSV (Điều 11): Dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc, đối tượng được hưởng và giao cho các bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, UBND cấp tỉnh, căn cứ điều kiện cụ thể để hướng dẫn thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ