Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã "chạm" tới những bất cập trong GD

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã "chạm" tới những bất cập trong GD
GS - TSKH Bùi Văn Ga – Giám đốc Đại học Đà Nẵng
GS-TSKH Bùi Văn Ga–GĐ Đại học Đà Nẵng

* GS - TSKH Bùi Văn Ga – Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Việc thay đổi cách thức thực hiện chính sách ưu đãi cho SV sư phạm sẽ đảm bảo việc sử dụng hiệu quả hơn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục

Luật GD 2005 quy định HS, SV sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Ý tưởng của các nhà làm luật là tạo cơ chế để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm để cải thiện chất lượng của ngành giáo dục và đào tạo và sử dụng học phí làm công cụ. Thực tế trong những năm áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm này không hoàn toàn đem lại kết quả như mong muốn. Trường sư phạm vẫn không tuyển được sinh viên giỏi và không phải đại bộ phận sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm ra làm nghề dạy học. Trong kỳ tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2009, Đại học Đà Nẵng đã công khai chủ trương những thí sinh đạt 27 điểm cả ba môn thi, chưa cộng các điểm ưu tiên được quyền chọn bất cứ ngành gì hiện đào tạo tại Đại học Đà Nẵng, được miễn hoàn toàn học phí, được cấp học bổng, được miễn phí ký túc xá và nhiều quyền lợi khác nữa nhưng không có thí sinh nào thuộc diện trên xin chuyển qua các ngành sư phạm! Điều tra sơ bộ tình hình sinh viên tốt nghiệp năm 2002 do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kiểm định chất lượng đào tạo Đại học Đà Nẵng tiến hành cho thấy không tới 30% sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm làm nghề dạy học. Kết quả điều tra này chưa phải đặc trưng chung của tất cả các trường Đại học sư phạm trong cả nước cũng như chưa đặc trưng cho tất cả các khóa đào tạo nhưng nó cũng cho thấy sự khuyến khích về học phí đem lại kết quả không mấy lạc quan.

Thay vì cơ chế miễn học phí sư phạm, ngành giáo dục qui hoạch thật chắc nhu cầu nhân lực về nghề dạy học hàng năm để đặt hàng cho các trường đào tạo, đảm bảo sao cho đại bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm có thể làm nghề dạy học với mức lương đủ sống thì chắc chắn đông đảo sinh viên giỏi và yêu nghề sẽ tìm đến các trường sư phạm của chúng ta. Dự báo nhu cầu nhân lực cho ngành giáo dục, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, không mấy khó khăn.

Theo chúng tôi, nội dung sửa đổi Khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất là phù hợp. Theo đó sinh viên theo học ngành sư phạm được vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước để đóng học phí như những sinh viên khác. Sau khi tốt nghiệp, nếu trực tiếp làm nghề dạy học với một khoảng thời gian qui định thì được miễn trả khoản tiền đã vay để đóng học phí.

Chính sách này cũng không nên chỉ áp dụng cho sinh viên ngành sư phạm mà có thể mở rộng cho những ngành khác vì tương lai phát triển của khoa học cũng như của kinh tế-xã hội, chẳng hạn những ngành khoa học cơ bản, văn hóa truyền thống… hiện đang rất khan hiếm sinh viên giỏi.

Việc sử dụng công cụ học phí để khuyến khích sinh viên giỏi vào học một số ngành đặc thù chỉ nên áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Khi Nhà Nước thấy nhu cầu nhân lực ngành đó đã đủ thì không cần khuyến khích nữa mà sẽ chuyển cho ngành khác. Vì vậy để khỏi phải sửa đổi Luật Giáo dục trong tương lai, đoạn cuối của nội dung sửa đổi của Khoản 3 Điều 89 nên ghi như sau:

“…Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể việc học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khoá đào tạo nghiệp vụ sư phạm được hưởng tín dụng ưu đãi để chi trả học phí.

Tùy theo nhu cầu nhân lực cho ngành giáo dục, Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội qui định cụ thể các khoản thời gian áp dụng khoản 3 điều 89 của luật này”.

* TS Huỳnh Văn Hoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng: việc phổ cập gd mn 5 tuổi cũng sẽ là sự hậu thuẫn để ngành gd thực hiện đổi mới giáo dục một cách đồng bộ.

TS Huỳnh Văn Hoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng
TS Huỳnh Văn Hoa – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng

Hiện nay, trẻ em trong độ tuổi được đến trường mầm non còn thấp, ảnh hưởng đến việc hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách và sự phát triển của trẻ về thể chất, tình cảm, trí tuệ để chuẩn bị bước vào lớp 1. Ngay cả những thành phố lớn mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn nhiều so với nhiều tỉnh thành khác, nhưng tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra mẫu giáo cũng chỉ mới đạt 85 – 95%. Việc phổ cập GD MN 5 tuổi cũng sẽ là sự hậu thuẫn để ngành GD từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục mầm non theo nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ, tiên tiến, phù hợp với đổi mới giáo dục phổ thông và có tác dụng tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục VN. Đội ngũ GVMM hiện nay chủ yếu là hợp đồng, trả lương từ học phí, trong lúc học phí ở các trường MN công lập chỉ là học phí tiêu biểu, không thể “gánh” đủ để chi trả quỹ lương cho GV. Điều này khiến cho những GVMN hợp đồng trả lương từ học phí quá thiệt thòi về quyền lợi. Sở GD - ĐT Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan lập phương án đề xuất và đã được UBND TP đồng ý phê duyệt bổ sung “kinh phí ngân sách cho các quận, huyện để hỗ trợ cho các trường mầm non công lập về khoản chênh lệch tiền lương tăng thêm, các khoản phụ cấp và các khoản chi theo lương cho CBGVNV hợp đồng 26 tỷ đồng/năm; đồng thời UBND các quận, huyện thực hiện hợp đồng sự nghiệp trong các cơ sở GDMN công lập, tạo được sự công bằng trong chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp như CBGVNV trong biên chế”. Điều này đã góp phần cải thiện mức thu nhập, tạo tâm lý ổn định cho số giáo viên diện hợp đồng. Ngoài ra, từ khi thực hiện chủ trương XHH GD đối với vùng thuận lợi, ở không ít trường mầm non, các chức danh như Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng vẫn nằm trong diện hợp đồng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với UBND thành phố cho phép ngành tuyển dụng một số GVMN, bổ sung đội ngũ CBQL và GV làm cốt cán cho các đơn vị trường học. Do đó, sự điều chỉnh đối với GDMN 5 tuổi sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy - học ở giai đoạn tiền học đường, đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong độ tuổi bước vào bậc học khác.

* Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai - giảng viên Trường CĐSP Gia Lai: Cần thiết phải áp dụng việc kiểm định chất lượng, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Đã đến lúc cần thiết phải có quy định hệ thống kiểm định chất lượng cụ thể, để tất cả SV sau khi tốt nghiệp, dù được đào tạo theo loại hình nào, cũng phải đạt một chuẩn nhất định. Với việc có quá nhiều hình thức đào tạo từ chính quy, tại chức, từ xa, du học… nhưng chất lượng đầu ra chưa được quản lý một cách chặt chẽ đã tạo “kẽ hở” trong văn bằng. Sẽ là không công bằng khi một sinh viên tốt nghiệp chính quy, được đào tạo bài bản lại khó khăn trong việc tìm việc, trong khi sinh viên chỉ cần đào tạo những hệ khác nhưng nhờ mối quan hệ vẫn có thể nghiễm nhiên tìm được công việc tốt. Bà Hà nhấn mạnh: “Không thể đánh đồng chất lượng đào tạo một sinh viên chính quy, với một sinh viên được đào tạo theo hình thức tại chức, từ xa…”. Khi kết quả kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục được công khai sẽ góp phần định hướng tốt hơn cho người học, đồng thời tăng khả năng đánh giá, giám sát của xã hội đối với nhà trường, và “sản phẩm đầu ra” cũng được đánh giá đúng thực chất hơn.

* Ông Nguyễn Quang Long - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng): Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã thể hiện tính “khung” lâu dài của một bộ luật.

Ông Nguyễn Quang Long - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Quang Long - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng)

Việc bổ sung các thuật ngữ như “tính thực tiễn, tính hợp lý, tính thống nhất”... “là cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” ở khoản 2 điều 6 không những đã làm rõ thêm những yêu cầu của việc xây dựng chương trình, mà còn giảm bớt được tính hàn lâm, tăng tính thực tiễn, tính hợp lý của từng giai đoạn phát triển và chứa đựng trong đó cả tính lâu dài, không phải sửa đổi, bổ sung trong một thời gian ngắn.

Đặc biệt ở điều 17: Kiểm định chất lượng giáo dục đã được sửa đổi, bổ sung, xác định và làm rõ vai trò, nhiệm vụ của công tác kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục, coi đây là biện pháp chủ yếu để xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình nội dung giáo dục của các cơ sở giáo dục, quy trình và các biện pháp tiến hành. Trong thời gian qua, mặc dù đã xác định “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, phát triển bền vững, là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng nhà nước và xã hội đã thật sự coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển hay chưa? đầu tư đến đâu? chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong ngân sách, đã đạt được 25% chưa? Giáo dục đã làm gì? Làm như thế nào? Có xứng với sự đầu tư đó không? Giáo dục Việt Nam đã thực sự là quốc sách hay chưa? Để trả lời những điều đó, trước hết giáo dục phải khẳng định được giá trị thực của mình, giá trị đó phải được qua kiểm tra, kiểm định chất lượng sản phẩm đào tạo, mức độ thực thi theo các tiêu chuẩn cụ thể và được công bố công khai trong xã hội về kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức có uy tín, ít chịu sự tác động, áp lực của nhiều phía và phải thật sự là KCS của xã hội đối với các cơ sở giáo dục.

Việc sửa đổi và bổ sung điều 17 và được tổ chức thực hiện nghiêm, chắc chắn sẽ có giá trị mang tính đòn bẩy, kích thích trong quá trình hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục, sự quan tâm của các cấp uỷ và chính quyền các cấp đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và mức độ đầu tư cho giáo dục, cho người dạy và người học...

Hà Ánh Ngọc(thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.