Các chính sách được đề cập trong dự thảo luật đã “chạm” đến tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trên cả nước.
Giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn
Quan tâm đến chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên, đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) nhận thấy, quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường đối với giáo viên mầm non đảm bảo phù hợp đặc thù nghề nghiệp và động viên được nguồn nhân lực có chất lượng cao, làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù.
Nhất trí với quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo về chế độ nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) viện dẫn, tại khoản 2, Điều 28, dự thảo Luật đề xuất, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 tuổi. Trường hợp có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
“Không nên quy định trong Luật Lao động, mà quy định thẳng vào Luật Nhà giáo, giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Luật Lao động”, ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm và cho biết, thời gian qua, giáo viên mầm non rất vui mừng vì biết Luật Nhà giáo đã trình Quốc hội, sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Bởi thực tiễn chứng minh, không ai 50 - 55 tuổi có thể nhảy nhót, ca hát… cho nên những giáo viên tuổi này nghỉ hưu theo quy định của dự thảo luật sẽ phù hợp, bảo đảm tính nhân văn và tạo niềm tin, vui mừng phấn khởi cho giáo viên mầm non trên cả nước.

Chăm lo nhà giáo bằng chính sách thiết thực
Trăn trở việc giao quyền quản lý, tuyển dụng và bổ nhiệm, luân chuyển nhà giáo, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) muốn gửi gắm việc thuyên chuyển nhà giáo. Tại Điều 19 dự thảo Luật Nhà giáo quy định, điều động nhà giáo cho các cơ sở giáo dục công lập và giao cho các cơ sở. T
uy nhiên, tại khoản 3 Điều 21 yêu cầu giao cho cơ quan quản lý. Tức là, giáo viên công tác ở vùng sâu xa, đặc biệt khó khăn sau 5 năm thì được thuyên chuyển. Thế nhưng, việc tiếp nhận, đồng ý lại phụ thuộc vào cơ sở giáo dục. Vô hình trung gây khó khăn cho giáo viên khi thuyên chuyển công tác, bởi nếu quy định như vậy, các thầy, cô ở vùng sâu, xa sẽ không bao giờ về được dưới xuôi.
Theo ông Đỗ Huy Khánh, nếu giao quyền cho cơ quan quản lý, thì việc điều động, bổ nhiệm từ vị trí nọ sang vị trí kia, chỗ nào cần, chỗ nào thiếu trong cùng một tỉnh sẽ phù hợp. Vì vậy, để bảo vệ “thầy, cô giáo yếu thế” “cắm bản” thâm niên, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cho rằng, chúng ta phải tạo điều kiện để giáo viên về gần gia đình, không thể “cắm bản” mấy chục năm và không biết đến bao giờ mới được điều chuyển về vùng thuận lợi.
“Nếu giao cho hiệu trưởng quyết định chỉ cần một lời phê không tiếp nhận thì các thầy, cô sẽ không về được. Đó là điều tôi trăn trở và muốn giao cho cơ quan quản lý giáo dục địa phương có trách nhiệm điều động, luân chuyển giáo viên”, ông Đỗ Huy Khánh bày tỏ,
Giáo dục đối mặt với nhiều thách thức về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt vùng sâu, xa. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) nhìn nhận, việc cho phép các địa phương chủ động quy định chính sách thu hút giáo viên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống và nhu cầu giáo dục như: Hỗ trợ nhà ở, tăng phụ cấp, tạo điều kiện cho học tập nâng cao trình độ giúp tăng tính hấp dẫn và giữ chân đội ngũ giáo viên, đặc biệt những nơi khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ miễn phí, hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp; quy định chính sách hỗ trợ, trợ cấp nhà ở và phương tiện đi lại cụ thể cho nhà giáo ở khu vực khó khăn.
Cũng có ý kiến hỗ trợ đối tượng nhà giáo thuộc dân tộc thiểu số; bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ là nhà giáo dạy học sinh chuyên biệt; có chính sách, hỗ trợ và ưu đãi cho nhà giáo và con em nhà giáo công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn, nhà giáo “cắm bản”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý khoản 1 Điều 26 về chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo, trong đó có chính sách chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp. Việc miễn phí chăm sóc sức khỏe định kỳ, hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về lao động, về an toàn vệ sinh lao động và về thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định nhóm nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy giáo dục hòa nhập và nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn... được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ như:
Thuê nhà công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc hỗ trợ tiền thuê nhà trong trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể, thuê nhà công vụ, hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định và các chính sách hỗ trợ khác theo quy định pháp luật nếu có.
Dự thảo Luật cũng quy định địa phương, cơ sở giáo dục có thêm các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Gửi gắm tâm tư
Gửi gắm niềm trắc ẩn với sự nghiệp “trồng người” và đội ngũ nhà giáo, đại biểu Bế Trung Anh (Trà Vinh) nhấn mạnh, nhà giáo trực tiếp thực hiện “quốc sách” của đất nước, dân tộc.
“Nếu xác định như vậy, thì đừng dành cho nhà giáo thuật ngữ “ưu đãi”. Hơn nữa những nhà giáo chân chính không cho phép bản thân nhận bất cứ một ưu ái nào. Họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của mình, tức là “đãi ngộ” xứng tầm”, ông Bế Trung Anh nhìn nhận và cho rằng, nay mọi thứ đã khác, nhiều ngành nghề vượt lên, để lại các thầy cô vẫn “ngơ ngác” với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải.
Để con cái bằng chúng bạn, không coi thường bố mẹ, cũng như nghề mà bố mẹ lựa chọn, nhiều giáo viên phải làm thêm (nhưng thực ra là thu nhập chính) bằng đủ cách khác nhau, từ bán hàng online, đi xe ôm, thậm chí trong thời gian sốt đất vừa qua, không ít cô giáo làm “cò đất”.
Từ thực tiễn khách quan, đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh đề nghị Ban Soạn thảo dự án Luật Nhà giáo lưu tâm hai vấn đề: Thứ nhất, đây là lần đầu tiên dự thảo luật không phụ thuộc, không sửa đổi từ cái đã có nên việc điều chỉnh để rõ hơn triết lý của Luật Nhà giáo là hoàn toàn có thể.
Theo đó, xác định tầm quan trọng của nghề giáo là: Nhà giáo xứng đáng có ngôi vị như họ từng có. Cần trả lại cho nhà giáo chỗ đứng mà học sinh, phụ huynh, xã hội kính trọng để họ đảm đương nhiệm vụ mà ta gọi là “quốc sách”. Không làm xấu chữ “quốc sách” bằng việc hạ thấp tiêu chí.
Thứ hai, trước đây 100 năm, cụ Phan Chu Trinh có triết lý về giáo dục ngắn gọn: “Dân trí, Dân khí, Dân sinh” để rồi thực dân Pháp cuống cuồng lo sợ khi phong trào học tập lan nhanh trong toàn quốc. Vậy bây giờ, triết lý giáo dục là gì, để nền giáo dục của ta ổn định phát triển bền chắc? Tất cả chúng ta đều muốn có câu trả lời xác đáng.
Đề cập đến tuổi nghỉ hưu của nhà giáo, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp Phạm Văn Hòa nhìn nhận, đây là chính sách lớn. Quy định giáo viên có bằng cấp, học hàm là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tuổi nghỉ hưu là sau 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ hợp lý. Theo đại biểu, bất cứ người nào khi tới tuổi này đều phải nghỉ hưu, sau đó sẽ được hợp đồng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy hoặc làm nghiên cứu khoa học chứ không giữ chức vụ quản lý.