Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục và Thời đại xin đăng toàn văn bài phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội Bế Trung Anh (Đoàn Trà Vinh) tại Phiên thảo luận sáng 6/5 – Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15.
Kính thưa chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp
Kính thưa Quốc hội!
Tôi đã chuẩn bị một bản góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo dài 2 trang, khi quan sát đối chiếu giữa dự thảo này với Luật Giáo dục và đặc biệt là Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT ban hành gần đây để chỉ rõ một vài chỗ chồng chéo, trùng lắp. Vì thời gian eo hẹp, tôi sẽ gửi cho ban soạn thảo sau. Thực ra đó như là những diễn giải cụ thể cho những mong muốn của tôi sắp chia sẻ sau đây.
Con cái chúng ta, tương lai đất nước của chúng ta được quyết định bởi những con người mà chúng ta đang ngồi đây để xây dựng một bộ luật dành cho họ - những NHÀ GIÁO - người trực tiếp thực hiện QUỐC SÁCH của đất nước, của dân tộc.
Trong bất kể một xã hội nào, bao giờ cũng có một tầng lớp làm định chuẩn giá trị cho phần còn lại. Châu Âu ngày xưa là tầng lớp quý tộc, thời vệ quốc và đấu tranh giải phóng đất nước đó là hình tượng chú bộ đội cụ Hồ. Nay sứ mệnh cao cả kia phải chăng nên trao cho 1,6 triệu giáo viên đang hằng ngày miệt mài say sưa, tâm huyết với những ngôi trường thân yêu mà ở đó, con em chúng ta học tập, trui rèn đạo đức, tri thức.
Nelson Mandela từng nói “Muốn một quốc gia suy vong chỉ cần hạ thấp nền giáo dục; còn Raja Roy Singh cho rằng “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”. Điều đó có nghĩa là, hưng vong một quốc gia phụ thuộc vào giáo dục, còn chất lượng của một nền giáo dục lại phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên.
Nếu xác định như vậy, thì đừng dành cho nhà giáo thuật ngữ “ưu đãi”. Hơn nữa với họ - những nhà giáo chân chính, tự trọng của họ không cho phép họ nhận bất cứ một ưu ái nào. Họ chỉ cần xã hội đánh giá đúng vai trò đặc biệt của họ, tức là “đãi ngộ” xứng tầm.
Chúng ta có cảm nhận, các nhà giáo ngày xưa được trọng hơn bây giờ. Có thể, vì lúc đó họ luôn có điều kiện để thanh sạch, họ luôn tâm huyết với nghề “lái đò” của mình, họ không còn thời gian, và cũng không cần suy tính hơn thiệt, vì xung quanh họ không ai có thu nhập nhiều hơn, hoặc cuộc sống khấm khá hơn.
Nhưng nay mọi thứ đã khác, nhiều ngành nghề đã vượt lên, để lại các thầy cô vẫn ngơ ngác với đồng lương ổn định ở mức không đủ trang trải. Nhưng để vẫn dạy học, giữ nghề, cũng là để chứng minh con đường của họ chọn (nghề cao quý trong các nghề cao quý) là không sai, để con cái họ bằng chúng, bằng bạn, không coi thường bố mẹ, cũng như cái nghề mà bố mẹ chúng lựa chọn, họ phải làm thêm (nhưng thực ra là thu nhập chính) bằng đủ các cách khác nhau, từ bán hàng online, thầy giáo đi xe ôm, thậm chí trong thời gian sốt đất vừa qua, không ít cô giáo đi cò đất.
Hình ảnh đó, liệu phụ huynh, đặc biệt là con em chúng ta có còn ngước nhìn thầy cô giáo của chúng với ánh mắt kính trọng? Chẳng ai nể phục, chẳng ai trân quý một người không toàn tâm, toàn ý vào công việc, đặc biệt là việc dạy người. Bao nhiêu cái phong bì cảm ơn thầy cô ngày lễ tết của những phụ huynh (rất thực tế), sẽ bằng một cú cảm ơn của một doanh nghiệp đối với mối làm ăn – cái mà nhà giáo vĩnh viễn không bao giờ có?
Thầy, cô giáo kiếm tiền ngoài nghề dạy học bằng cách nào? Khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống? Câu hỏi đó len lỏi trong sâu thẳm mỗi giáo viên, nhưng nó vẫn lộ thiên để toàn xã hội có thể thấy. Đó vẫn còn là những câu hỏi cần có câu trả lời của không chỉ của những người làm giáo dục. Các nhà giáo đang chờ câu trả lời của các đại biểu đang ngồi đây.
Kính thưa Quốc hội!
Gần đây, có những vụ việc khiến cho định nghĩa của Việt Nam về “bạo lực học đường” trở thành lạc hậu, lỗi thời, khi chưa kịp bổ sung một hành vi mới: cô giáo, thầy giáo là nạn nhân của bạo hành do học sinh (hoặc phụ huynh) của chính mình thực hiện. Dư luận xã hội phần thì nói học sinh có lỗi, phần nói do nhà trường, rồi do gia đình, nhiều ý kiến bình luận ác ý: do giáo viên phải thế nào thì học sinh mới vậy. Nhưng bất luận từ đâu thì điều đó có nghĩa rằng, nguyên nhân sâu xa là ở chỗ: chính sách với nhà giáo còn chưa đảm bảo cuộc sống thường nhật để nhà giáo tập trung vào chuyên môn, để rồi sang trọng với nghề, ngạo nghễ với trò, có uy tín với xã hội.
Với tình trạng như vậy, trong khi nhiều học sinh thức thời ghi danh vào những ngành nghề danh giá (hiểu theo cách khi ra trường có việc làm “thơm tho”), thì chúng ta thực sự kính trọng và xúc động khi nhiều em vẫn thi vào các trường sư phạm. Tôi thấy mình quá nhỏ bé so với sự lựa chọn gian nan và rủi ro của các em. Họ lao vào khó khăn, gian khổ, mặc dù họ thấy rõ các thế hệ thầy cô phía trước quá lam lũ với nghề.
Nhà giáo làm công việc giáo dục và dạy học, tức là chuẩn bị cho một thế hệ sáng tạo và định hình ra tương lai, thì trước hết họ được khuyến khích sáng tạo và sáng tạo có ích thì họ phải được bảo vệ. Vì vậy cần có một Luật cho họ. Thêm nữa, luật này phải có sứ mệnh trả lại danh xưng cho các nhà giáo đúng với vị trí của họ trong xã hội hiện nay. Một đất nước bước vào kỷ nguyên mới, muốn vững chắc nên bắt đầu bằng việc quan tâm ở mức cao nhất đến những người trồng cây, ươm mầm thế hệ trẻ.
Tôi đề nghị với Quốc hội, không chỉ là phê chuẩn luật này, mà còn phải nỗ lực điều chỉnh để luật sâu sắc hơn nữa, gần với thực tiễn hơn nữa, khiến nhà giáo không phải lo cơm áo gạo tiền chạy bữa, khiến họ được tự hào với nghề của mình, toàn tâm toàn ý vào việc dạy dỗ. Bởi vì Nhà giáo là người tạo dựng không gian sáng tạo, hệ sinh thái nhân văn. Từ đó tri thức được khai phóng, bản sắc dân tộc được lan tỏa, để rồi tự chủ vươn mình.
Cũng có 2 ý tôi đề nghị ban soạn thảo lưu tâm:
1. Do là lần đầu tiên dự thảo, không phụ thuộc, không sửa đổi từ cái đã có nên việc điều chỉnh để rõ hơn triết lý của luật này là hoàn toàn có thể. Theo đó, xác tín tầm quan trọng của nghề giáo, là nhà giáo xứng đáng có ngôi vị như họ đã từng có. Cần trả lại cho họ chỗ đứng (mà học sinh, phụ huynh, xã hội kính trọng) để họ đảm đương nhiệm vụ mà ta gọi là Quốc sách. Không làm xấu chữ “quốc sách” bằng việc hạ thấp tiêu chí của nó.
2. Trước đây 100 năm, cụ Phan Chu Trinh đã có Triết lý về giáo dục rất ngắn gọn: “Dân trí, Dân khí, Dân sinh” để rồi thực dân pháp cuống cuồng lo sợ khi phong trào học tập lan nhanh trong toàn quốc. Vậy bây giờ, triết lý giáo dục là gì, để nền giáo dục của ta ổn định phát triển bền chắc? Tất cả chúng ta đều muốn có câu trả lời xác đáng.