Dự thảo Luật GDĐH đã làm rõ về Hội đồng trường và Hội đồng quản trị

Dự thảo Luật GDĐH đã làm rõ về Hội đồng trường và Hội đồng quản trị

(GD&TĐ) - Trong thiết chế giáo dục đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới, Hội đồng trường và Hội đồng quản trị là những thành phần quan trọng không thể thiếu, vì hoạt động của những thiết chế này vừa hỗ trợ, vừa ràng buộc lẫn nhau. Và tất cả đều vì chung một mục đích là phát triển nhà trường. Thực tế đã minh chứng một điều là chỉ có sự hoạt động lành mạnh trong những khuôn khổ pháp luật cho phép thì hệ thống giáo dục đại học mới phát huy tốt tác dụng như mục đích đề ra. 

Ở Việt Nam, những năm gần đây các danh từ “Hội đồng trường” hay “Hội đồng quản trị” trong các trường đại học đã được nhắc tới nhiều hơn, nhiều trường đại học đã thành lập ra những Hội đồng trường và các trường đại học ngoài công lập thì đều có Hội đồng quản trị. Tuy nhiên các hoạt động của những Hội đồng này thực sự chưa được như mong muốn, nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Lý giải về điều này, nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng tựu chung, nguyên nhân chính là chưa có một cơ chế bắt buộc cũng như một khung pháp lý quy định cho tổ chức cũng như hoạt động của các Hội đồng này. Chính vì vậy, việc Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đưa 2 thiết chế này vào với những nội dung cụ thể, là cần thiết và đúng đắn.

Các tân cử nhân trong ngày tốt nghiệp
Các tân cử nhân trong ngày tốt nghiệp

Sau khi các nội dung liên quan đến Hội đồng trường và Hội đồng quản trị được đưa vào Dự thảo 2 Luật Giáo dục Đại học và đưa ra lấy ý kiến. Đã có nhiều quan điểm về các thành phần trong những Hội đồng này, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà giáo. Ông Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho rằng: Thành  viên hội đồng quản trị trường đại học phải là những người am tường về giáo dục đại học chứ không phải chỉ những người có tiền. Hay ông Trương Quang Mùi - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, cho rằng: Cần phải xây dựng môi trường sư phạm trong đó thầy giáo và sinh viên phải được tôn trọng chứ không phải là công ty cổ phần, người có tiền điều khiển hoạt động nhà trường theo lợi ích của họ. Còn ông Trần Hữu Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Quang Trung Qui Nhơn đề nghị Hội đồng quản trị phải được bầu từ những cán bộ cơ hữu của trường, đại diện của Ban giám hiệu, công nhân viên, Đảng ủy, Đoàn thanh niên, chứ không nhất thiết chỉ bao gồm những người sáng lập hay góp vốn. Hiệu trưởng nếu là cán bộ cơ hữu, cổ đông của nhà trường thì cũng có thể được bầu vào hội đồng quản trị. Nhấn mạnh vai trò của Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu trong thực thi quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của các trường, GS. Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, khẳng định: Hội đồng trường phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học. Thành phần hội đồng trường trong dự thảo luật cần cân nhắc sao cho hoạt động của hội đồng trường là thiết thực, hiệu quả, tránh tính hình thức.

Những ý kiến này đều đã được Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội và Ban soạn thảo Luật ghi nhận và sửa đổi cho thích hợp, hoàn thiện đang trình Quốc hội thông qua. Như quy định về Hội đồng trường. Điều 15 của Dự thảo Luật quy định Hội đồng trường được thành lập ở các cơ sở giáo dục đại học công lập, là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường, làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Hội đồng trường là hội đồng quyền lực phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường; Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường; Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học… 

Thành viên hội đồng trường gồm Ban giám hiệu, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện một số khoa, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học; một số nhà hoạt động giáo dục, khoa học, doanh nghiệp. Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng. Điều lệ nhà trường sẽ qui định cụ thể thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền của chủ tịch, thư ký; việc bổ nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường. 

Còn về Hội đồng quản trị, Điều 16 của dự thảo Luật qui định hội đồng quản trị được thành lập ở cơ sở giáo dục đại học tư thục. Đó là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông; phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường; quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; quyết nghị những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường… Thành viên hội đồng quản trị gồm đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định. Chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín. Chủ tịch hội đồng quản trị phải có trình độ đại học trở lên. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị là 5 năm. Hội đồng quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên hội đồng quản trị được quy định trong Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Từ thực tế điều hành, quản lý Đại học Đại Nam, tôi thấy các ý kiến trên đã thể hiện đầy đủ quan điểm, tinh thần, cũng như hiểu biết của những người đang trực tiếp đứng mũi chịu sào ở các trường, những nhà quản lý và những nhà khoa học quan tâm đến sự nghiệp chung. Việc Ban soạn thảo tiếp thu và làm rõ về Hội đồng trường và Hội đồng quản trị, để hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục Đại học trình Quốc hội thông qua đã cho thấy các nhà làm Luật đã hết sức tôn trọng những người trong cuộc. Mong rằng Luật với những quy định khung sớm được thông qua để các nhà trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập sớm có một hành lang pháp lý vững chắc để dựa vào đó mà hoạt động.

                                                                            TS. Lê Đắc Sơn 

                                              (Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trường Đại học Đại Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.