Người bị thu hồi đất có chỗ ở bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, sau đây viết tắt là Dự thảo) nêu việc lựa chọn nơi tái định cư (TĐC) được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Đầu tiên, là tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi.
Tiếp đó, nếu trường hợp tại những nơi trên không có đất để TĐC thì người dân có đất bị thu hồi được chính quyền bố trí nơi ở mới tại địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố… nơi có đất thu hồi.
Trong điều kiện quận, huyện, thị xã, thành phố… không có đất để TĐC, người dân sẽ được chính quyền bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương.
Dự thảo nêu rõ, UBND cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án TĐC trước khi thu hồi đất. Khu TĐC phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng, miền.
Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông phải đảm bảo kết nối giao thông liên kết với khu vực lân cận, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt, hệ thống cấp, thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường. Với hạ tầng xã hội như trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại dịch vụ phải được đảm bảo.
Tại Khoản 2, Điều 89 của Dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thông qua quy định trước khi thu hồi đất phải xây dựng khu TĐC.
Theo Dự thảo, việc tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB, bố trí TĐC phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí TĐC và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi TĐC trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí TĐC.
Những nội dung thông báo này gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà TĐC, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà TĐC; dự kiến bố trí TĐC cho người có đất thu hồi.
Bên cạnh đó, người có đất ở bị thu hồi để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, dự án nhà ở thì được bố trí TĐC tại chỗ. Trường hợp thu hồi đất ở để thực hiện các mục đích khác thì được bố trí TĐC tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có quỹ đất, quỹ nhà TĐC.
Dự thảo cũng nhấn mạnh việc ưu tiên vị trí thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở kết hợp với kinh doanh dịch vụ, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng. Có cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn.
Giá bán nhà ở TĐC do UBND cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
Điểm nhấn của Dự thảo là việc đề xuất trường hợp người có đất ở thu hồi được bố trí TĐC mà tiền bồi thường về đất ở không đủ để mua một suất TĐC tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất TĐC tối thiểu.
Trong trường hợp người có nhà ở chung cư bị thu hồi được bố trí TĐC mà tiền bồi thường về nhà ở chung cư không đủ để mua một suất TĐC tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất TĐC tối thiểu.
Cần làm rõ tính khả thi của các quy định
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. |
Đóng góp ý kiến về Dự thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá: Dự thảo đã thể hiện được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống của người dân khi quy định rằng phải xem xét về nhiều khía cạnh của khu TĐC rồi mới được phép xây dựng.
Tuy nhiên, ông Hậu cho rằng cần phải xem xét lại tính khả thi của các quy định này trên thực tế bởi hiện vẫn còn một số bất cập. Ông Hậu dẫn ví dụ trong Dự thảo nêu: Khu TĐC phải bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội và phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của từng vùng, miền.
“Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số thì phong tục, tập quán có sự khác biệt so với đại đa số địa phương nên Dự thảo nêu là chưa hợp lý”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Trong khi đó, tại Dự thảo cũng nêu: Nếu rơi vào trường hợp tại địa bàn xã lẫn địa bàn huyện đều không có đất để bố trí TĐC thì buộc phải bố trí tại các địa bàn khác có điều kiện tương đương. Ông Hậu đặt ra câu hỏi “điều kiện tương đương” ở đây là gì? Là về mặt địa lý tương đương hay là về các tiêu chí được địa phương đề ra?
Từ đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng: “Nếu bố trí người dân tộc thiểu số sang một địa bàn với các phong tục, tập quán hoàn toàn khác với nơi ở cũ thì sẽ không đáp ứng được một trong các điều kiện của khu TĐC mà Dự thảo đã đưa ra”.
Ngày 1/3, trao đổi với Báo GD&TĐ xoay quanh nội dung thu hồi đất, TĐC cho người dân trong Dự thảo, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Dự thảo có nhiều điểm tiến bộ, nhưng về vấn đề thu hồi đất, TĐC cho người dân vẫn còn nhiều điểm cần phải làm rõ.
Theo ông Dũng, Dự thảo nêu nguyên tắc là khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người dân có chỗ ở, đảm bảo thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, việc làm rõ các khái niệm như thế nào là người dân có chỗ ở tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ? Tốt hơn về diện tích, về hạ tầng, tiện ích xung quanh hay tốt hơn về cái nào?
“Luật phải làm rõ được những ý đó. Những chỉ tiêu, tiêu chí đó đều hoàn toàn có thể làm được nên việc dẫn chung chung nội dung như trên sẽ khó cho luật đi vào đời sống khi được ban hành”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng cho rằng, đây là một lỗ hổng và cơ quan Nhà nước cần phải bịt lại. Ông Dũng lấy ví dụ về hiện trạng có nhiều chủ đầu tư dự án hứa hẹn trên giấy tờ là tiện ích có trường học, cơ sở hạ tầng nhưng đến khi phân lô, bán hết nhà rồi thì tiện ích xây chậm hoặc không xây mà sử dụng vốn làm cái khác.