Công đoàn Giáo dục Việt Nam tập huấn triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 27/3, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn cho 150 cán bộ công đoàn về triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Quang cảnh hội nghị tập huấn.
Quang cảnh hội nghị tập huấn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, quan hệ lao động tại nhà trường hiện nay có nhiều thay đổi về lựa chọn nghề nghiệp và sự dịch chuyển nguồn nhân lực, do đó vai trò của tổ chức công đoàn trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tác động mạnh đến xã hội và sự vận hành trong nhà trường.

Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và đang là nội dung được quan tâm hiện nay. Vì vậy, Hội nghị tập huấn với chủ đề dân chủ cơ sở đã góp phần cung cấp nhiều thông tin bổ ích, kỹ năng cho cán bộ công đoàn trong việc triển khai thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Tại Hội nghị, 150 đại biểu đến từ các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được TS Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ), giới thiệu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo ông Hoàng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ 1/7/2023, không chỉ tiếp cận ở xã phường mà nó còn tiếp cận đến cơ quan quản lý Nhà nước mà đã phát huy vai trò của người đứng đầu tại các tổ chức đoàn thể như Đảng uỷ, Công đoàn và Đoàn thanh niên… vận hành tốt cơ chế để thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở.

Luật đã có 6 nội dung cơ bản là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng thể hiện được thể hiện quyền dân chủ ở cơ sở, được công khai và cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác.

Cùng đó, vai trò của Ban Thanh tra nhân dân trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được phát huy dân chủ ở cơ sở. Người lao động được biết tất cả những chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của mình, phải được công khai minh bạch kể cả việc quản lý về tài chính công, tài sản công, các khoản huy động tài chính khác.

Báo cáo viên, TS Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra trình bày tại hội nghị.

Báo cáo viên, TS Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra trình bày tại hội nghị.

Công tác quy hoạch cán bộ cũng phải công khai minh bạch, quy tắc ứng xử không được bố trí vợ hoặc con, em người đứng đầu không được làm kế toán hoặc tổ chức nhân sự hoặc mua bán, ký kết hợp đồng tại đơn vị mình quản lý.

Kết luận của cấp có thẩm quyền về thanh tra phải được công khai minh bạch, vai trò của tổ chức công đoàn phải có tiếng nói với người đứng đầu về các quy định này để phòng chống tham nhũng.

Đối thoại tại nơi làm việc là chia sẻ thông tin, tham khảo, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động và người lao động hoặc Ban chấp hành công đoàn cơ sở về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi...

Sau phần trình bày của báo cáo viên, các đại biểu tham dự hội nghị đã có phần trao đổi thảo luận về những tình huống diễn ra tại đơn vị và tất cả các vấn đề được nêu đều được báo cáo viên tận tình chia sẻ, giải đáp thắc mắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ