Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo đổi mới GD-ĐT

GD&TĐ - Theo ông Lê Quán Tần – Phó Chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam, Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. 

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể quán triệt nghiêm túc quan điểm chỉ đạo đổi mới GD-ĐT

Điều này được thể hiện các điểm chủ yếu sau:​

Thứ nhất, quán triệt quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện;… Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới…”.

Thứ hai: Dự thảo đã quán triệt định hướng trong các văn bản của TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội…”.

Thứ ba: Dự thảo đã chú trọng quán triệt quan điểm đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa GD-ĐT…

Bên cạnh đó, Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể lần này đã tiếp cận xu hướng phát triển chương trình giáo dục phổ thông của các nước tiên tiến ở mức độ ban đầu phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, thể hiện ở định hướng như:

Chú trọng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; Chuẩn bị cho học sinh biết tự định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn với nhu cầu xã hội và năng lực, sở trường của bản thân; Dạy học phân hóa rõ rệt ở cấp THPT…

Ngoài ra, Dự thảo chương trình đã kế thừa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành ban hành theo Quyết định số: 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, thể hiện ở các điểm sau:

Quy định các môn học và nội dung hoạt động giáo dục cốt lõi; số tuần của mỗi năm học, thời lượng mỗi tiết học và số tiết học mỗi tuần của học sinh các cấp; các kì thi ở giáo dục phổ thông; định hướng mở rộng quy mô học 2 buổi/ngày để khắc phục tình trạng quá tải do thời lượng học tập thấp của học sinh phổ thông (theo một số tổ chức quốc tế, thời lượng học tập của học sinh phổ thông nước ta mới đạt khoảng 75 - 80% mức trung bình của các nước phát triển).

Về định hướng đánh giá kết quả giáo dục: Quy định như Dự thảo chương trình là hợp lý và có độ mở cần thiết cho việc tiếp tục duy trì hay không duy trì kì thi tốt nghiệp THPT. Chậm nhất là sau năm 2025, việc thi hoặc kiểm tra công nhận tốt nghiệp THPT cần phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc tuyển sinh đại học giao cho các cơ sở giáo dục đại học.

Việc áp dụng cấp tín chỉ theo học phần đối với một số chuyên đề học tập, nhất là ở THPT là cần thiết và phù hợp, thuận lợi cho việc quản lý của cơ sở giáo dục và linh hoạt cho học sinh mà quá trình học tập bị gián đoạn vì lý do nào đó.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cần phải điều chỉnh đề thi tốt nghiệp, tuyển sinh cho phù hợp với chương trình để khắc phục tình trạng lệch lạc trong việc tổ chức dạy học và lựa chọn môn học/hoạt động giáo dục của học sinh (khi áp dụng chương trình phổ thông giáo dục phổ thông mới vừa qua chưa có sự điều chỉnh này).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ