Dự thảo chương trình GDPT tổng thể đảm bảo tính liên thông, giảm tải

GD&TĐ - Cô Trịnh Thu Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 2 (Bắc Giang) và thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - chia sẻ nhận định cũng như góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau khi nghiên cứu kỹ dự thảo.

Dự thảo chương trình GDPT tổng thể đảm bảo tính liên thông, giảm tải

Những điểm mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Theo cô Trịnh Thu Huyền, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT công bố nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Theo đó, Dự thảo chương trình đã kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục hiện hành và có nhiều điểm mới. Cụ thể, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp học sinh hình thành những phẩm chất, năng lực cụ thể; chú trọng đến việc trang bị cho học sinh kỹ năng thực hành, kỹ năng vận dụng, kỹ năng thích ứng với những thay đổi; định hướng nghề nghiệp cho học sinh bằng những môn học và hoạt động giáo dục cụ thể.

Ưu điểm thấy rõ trong Dự thảo là đảm bảo tính liên thông, xuyên suốt giữa 3 cấp học; giảm tải được môn học nhất là ở chương trình lớp 11 và 12, học sinh được chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Thầy Nguyễn Văn Định đồng tình với việc xác định sự cần thiết phải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong trong Dự thảo: Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và phù hợp vời xu thế quốc tế. Mục tiêu là kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực.

Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, giúp người học biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với qui trình chặt chẽ, có tính kế thừa, coi trọng mọi ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân và các chuyên gia.

Đánh giá cao phương pháp xây dựng chương trình, thầy Nguyễn Văn Định nói rõ: Từ phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, xác định nhu cầu phát triển đất nước, nhu cầu phát triển nhân lực, mục tiêu GDPT, rồi từ mục tiêu đó xác định những phẩm chất và năng lực cần hình thành, phát triển ở học sinh, tức là chuẩn đầu ra của chương trình. Từ chuẩn đầu ra mới xác định được những nội dung cần dạy, từ đó phân bổ thời lượng dạy học, xác định phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục.

Đây là phương pháp mới nhưng có tính khả thi cao bởi suy cho cùng phát triển giáo dục cũng nhằm phát triển đất nước, giáo dục phải phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng, để đảm bảo tính ổn định và hạn chế thay đổi nhiều sẽ gây tốn kém, chương trình cần thực hiện tốt việc dự báo về khả năng phát triển trí tuệ của người học, khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất và các phương tiện dạy học trong 5 năm, 10 năm tới hoặc lâu hơn nữa.

Các nội dung khác trong dự thảo như: Đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục; điều kiện thực hiện chương trình; phát triển chương trình giáo dục phổ thông được Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười đánh giá được định hướng rất chặt chẽ, khoa học, có tính khả thi cao.

Một số góp ý

Nhận định về nội dung chính của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thầy Nguyễn Văn Định cho rằng: Dự thảo nêu lên 6 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Việc phân bổ thời gian, lộ trình và yêu cầu cụ thể từng giai đoạn là khá phù hợp: Chương trình chia Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT.

Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Tuy nhiên cần qui định thêm: việc lựa chọn môn tự chọn và môn tự chọn bắt buộc phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và năng lực đáp ứng của từng cơ sở giáo dục phổ thông.

Các môn học ở tiểu học, thầy Định băn khoăn: Môn bắt buộc Cuộc sống quanh ta có thể tích hợp vào Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội không? Liệu môn học bắt buộc có phân hóa Thế giới công nghệ có trùng với môn bắt buộc Tìm hiều công nghệ?

Ở THCS, THPT theo thầy Định, các môn học bắt buộc là khá hợp lý. Riêng với THCS, các môn học bắt buộc có phân hóa, nên ghép môn theo hướng gần nhau như Tin học và Công nghệ, còn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và Hướng nghiệp.

Góp ý cho Dự thảo, cô Trịnh Thu Huyền cho rằng, dự kiến xây dựng thời lượng giáo dục ở các môn lớp 11,12 với số tiết chưa hợp lý giữa môn bắt buộc với môn tự chọn, môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật được bố trí số tiết gấp đôi, gấp ba chương trình hiện nay, trong khi thực tế mức độ kiến thức không cần nhiều thời lượng như vậy.

Để chương trình mới có tính khả thi, cô Huyền đưa kiến nghị: Cần xây dựng được bộ sách giáo khoa phù hợp với mục tiêu giáo dục đã đưa ra. Bộ GD&ĐT sớm xây dựng được khung chương trình cụ thể chi tiết cho các môn học các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn.

Cùng với đó, nhất thiết cần chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục mới và đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ