Dự thảo Chiến lược quốc gia PCGNTT ngành Giáo dục từ nay đến 2020

Dự thảo Chiến lược quốc gia PCGNTT ngành Giáo dục từ nay đến 2020

(GD&TĐ)- Từ nay đến năm 2015 hoàn thành việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho 100% cán bộ quản lý CSGD và đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành, tuyên truyền cho 100% các CSGD và cộng đồng thuộc một số khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai để CB-GV, NV, HS-SV và cộng đồng hiểu và biết cách ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai.

Trước những thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai gây ra ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản, hoạt động dạy - học của giáo viên, học sinh và nhà trường và để thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang dự thảo bản "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020". 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý kiểm tra thiệt hại nghiêm trọng để đưa ra phương án khắc phục hậu quả do cơn lũ kép lịch sử gây ra tại miền Trung năm 2010. Ảnh, gdtd.vn
 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý kiểm tra thiệt hại nghiêm trọng để đưa ra phương án khắc phục hậu quả do cơn lũ kép lịch sử gây ra tại miền Trung năm 2010. Ảnh, gdtd.vn

Cụ thể, bản kế hoạch đưa ra các mục tiêu như sau: Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc tập huấn nâng cao năng lực và trình độ cho 100% cán bộ quản lý CSGD và CB chuyên trách công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai (PCGNTT); đến năm 2015 đảm bảo 100% các CSGD thuộc các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng bởi  thiên tai xây dựng được kế hoạch hành động; Ban Chỉ đạo các cấp có kiến thức và kỹ năng về PCGNTT và hệ thống thông tin liên lạc phù hợp, hiệu quả;

Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành việc lồng ghép, tích hợp những kiến thức cơ bản về PCGNTT vào các chương trình GD-ĐT trong nhà trường; từ năm 2016 tổ chức triển khai đại trà theo kế hoạch của Bộ; Đảm bảo đến năm 2015 hoàn thành việc mở ngành và tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về PCGNTT.

Đảm bảo đến năm 2012 hoàn thành việc nghiên cứu và thiết kế mô hình trường/lớp học PCGNTT; đến năm 2015 xây dựng thí điểm mẫu trường/lớp học PCGNTT ở một số khu vực đặc thù; từ 2016 - 2020 tổ chức triển khai xây dựng các mẫu này ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai;

Tăng cường và mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và huy động nguồn lực để góp phần thực hiện ‘Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2020’. 

Trong Kế hoạch, Bộ GD-ĐT cũng dự kiến các giải pháp để triển khai thực hiện các mục tiêu trên: chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền của ngành Giáo dục về PCGNTT (2011 - 2012); Biên soạn tài liệu tuyên truyền trong các trường phổ thông, TCCN, CĐ-ĐH, các TTGDTX, TTGDCĐ, TTLĐHN.

Bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giáo viên về PCGNTT, đưa kiến thức PCGNTTvào nhà trường. Cập nhật, tích hợp, lồng ghép có chọn lọc những kiến thức PCGNTT và phát triển bền vững vào các môn học phù hợp trong chương trình, sách giáo khoa đang thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các nội dung giáo dục ‘Ứng phó với biến đổi khí hậu’, ‘Môi trường’, ‘Kỹ năng sống’, ‘Phòng chống tai nạn thương tích’ và ‘Chuẩn tối thiểu về giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp’ cùng với nội dung ‘Hỗ trợ tâm lý trẻ em trong các hoạt động giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp’ để tránh chồng chéo, quá tải cho học sinh, sinh viên (2012 - 2013);

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HSSV liên quan tới PCGNTT (2011 - 2020); Lồng ghép với đề án ‘Xây dựng xã hội học tập’ và các đề án khác để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, đặc biệt những nội dung liên quan đến hoạt động của các TTGDTX và TTGDCĐ.

Tích hợp nội dung PCGNTT và phát triển bền vững vào các hoạt động, phong trào của ngành Giáo dục như: Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Tuyên truyền phổ cập bơi trong trường tiểu học; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 - 2015; 

Tổ chức đào tạo chuyên ngành PCGNTT, phát triển bền vững. Nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và nhân rộng mô hình trường/lớp học PCGNTT. Xây dựng bộ máy tổ chức và cơ chế phối hợp, Xây dựng quỹ và tổ chức nguồn dự phòng. 

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2008, thiên tai đã làm 515 người chết và mất tích, trên 230 nghìn ha lúa và hoa màu bị mất trắng; hơn 1 triệu con gia súc, gia cầm bị chết; 54 nghìn ha nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng và 4.700 ngôi nhà bị sập, bị cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 11.500 tỷ đồng Việt Nam. 

Năm 2009, theo số liệu của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng của 11 cơn bão, 4 đợt áp thấp nhiệt đới và nhiều trận lũ lớn, ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá, sạt lở đất, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản,… Tổng giá trị thiệt hại do bão, lũ gây ra ước gần 23.200 tỷ đồng, tức là gấp hai lần con số thiệt hại do bão, lũ gây ra năm 2008. Thiên tai đã làm 426 người chết, 28 người mất tích, 1.390 người bị thương cùng nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu và các công trình công cộng.

Năm 2010, cả nước phải hứng chịu 6 cơn bão, 4 đợt lũ lớn lịch sử tại miền Trung cùng với nắng nóng, hạn hán, rét hại kéo dài đã làm chết và mất tích 362 người, 490 người bị thương, 6.000 ngôi nhà bị phá huỷ, gần 500.000 ngôi nhà và 300.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng. 

Năm 2010 các tỉnh miền Trung từ Nghệ An tới Ninh Thuận liên tiếp chịu 3 đợt mưa lũ đặc biệt lớn trong tháng 10 và 11 đã làm cho 22 cán bộ, giáo viên, học sinh chết và mất tích, 20 người bị thương, hơn 12.260 trường học bị ngập nước sâu từ 0,5m đến 2,5m. Chỉ riêng 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, ước tính tổng thiệt hại của ngành Giáo dục lên tới 705 tỷ đồng với trên 10 nghìn phòng học, phòng chức năng, thư viện bị sập đổ, cuốn trôi hoặc ngập sâu; trên 1.300 căn hộ của giáo viên bị ngập hỏng nặng, 44.000m tường rào bị đổ, 12.700 bộ bàn ghế và 383.000 bộ sách giáo khoa bị cuốn trôi; ngoài ra nhiều thiết bị dạy học, máy vi tính, công trình nước, vệ sinh trong trường học bị hư hỏng nặng; nhiều công trình xây dựng theo Chương trình ‘Kiên cố hóa trường học’ chưa hoàn thành cũng bị hư hại,… Nhiều nơi như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam,… do các trường tại các vùng lũ bị hư hỏng nặng, giáo viên, học sinh không còn sách, vở, thiết bị  nên việc tổ chức dạy học bị gián đoạn. 

Việc xây dựng chương trình quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao khả năng chuẩn bị ứng phó và giảm nhẹ tối đa thiệt hại ở Việt Nam. 

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...