Dù sai mười mươi, bố mẹ vẫn ‘cố thủ’ không nhận lỗi

Bố mẹ thở dài, thất vọng vì chị em con, đặc biệt là em gái con ngày càng tỏ ra bất cần, khó bảo, vô tâm, luôn cau có, khó chịu. Thế nhưng, sự bất cần ấy có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân lớn là có chuyện gì bố mẹ cũng đổ hết lỗi lên đầu bọn con. 

Dù sai mười mươi, bố mẹ vẫn ‘cố thủ’ không nhận lỗi

Đặc biệt là, dù sai mười mươi, bố mẹ vẫn "cố thủ" không nhận lỗi.

Con lớn hơn em gái vài tuổi, đã đi học xa nhà nên dù khó chịu với bố mẹ, con vẫn chịu khó nghe lời, ít cãi bố mẹ hơn, trân trọng tình cảm gia đình hơn.

Thế nhưng, em gái con đang học THPT vô cùng bướng bỉnh và tỏ thái độ khó chịu với bố mẹ ra mặt. Em con không muốn làm việc nhà, né tránh nói chuyện với bố mẹ và luôn tỏ ra bất cần, sống không có mục đích.

do-loi.jpg

Từ bé, có chuyện gì bố mẹ cũng đổ hết lỗi lên đầu con. Ảnh minh họa

Con rất giận em nhưng cũng giận bố mẹ. Nhớ lại thời bằng tuổi em, con cũng có tâm trạng y như em. Nhiều lúc con muốn bùng nổ, muốn trốn đi đâu thật xa để không phải sống trong ngôi nhà mà lúc nào cũng tiếng quát, tiếng cằn nhằn, tiếng đổ lỗi của bố mẹ.

Bất kể có việc gì xảy ra, không cần tìm hiểu nguyên nhân, bố mẹ luôn đổ lỗi lên đầu con và em.

Con bị bạn đánh, bố mẹ liền quy kết: Mày phải như thế nào mới bị chúng nó đánh. Bố bị mất tiền liền khẳng định chắc như đinh đóng cột: Không mày lấy thì là đứa nào? Mày mới có nhu cầu tiêu tiền, chả nhẽ mẹ mày lấy?

Bị vỡ bát, nấu cơm sống, mất điều khiển ti vi, hỏng quạt…, tất tần tật mọi việc bố mẹ đều đổ tội lên đầu con và em con. Không bao giờ cho phép con trình bày, cũng chưa bao giờ bố mẹ tìm hiểu nguyên nhân, điều mặc định trong đầu bố là: Chỉ con cái mới có lỗi, còn bố mẹ thì không.

Chính vì thế mà từ bé đến giờ, không ít việc bố mẹ sai mười mươi, thế nhưng bố mẹ vẫn “cố thủ” không nhận lỗi.

Bố mẹ cho rằng, là người lớn, là người sinh ra chúng con thì đương nhiên không có chuyện bố mẹ phải hạ mình xin lỗi.

Điều mà những đứa trẻ đang ở tuổi muốn khẳng định mình muốn bố mẹ lắng nghe thì chuyện gì cũng bị bố mẹ gạt phắt đi. Bố phàn nàn, muộn phiền rằng em gái con giờ không hiểu lý lẽ, không có tình cảm với bố mẹ.

Bố à, trước đây, có nhiều lúc con không muốn nói chuyện với bố mẹ. Khi chia sẻ “tâm sự” ấy với bố thì bố lại giận dỗi, cho rằng phận làm con không bao giờ được phép nói rằng không muốn nói chuyện với bố mẹ.

bo-m-cai-nhau.jpg

Bố mẹ mặc định, chỉ con cái mới có lỗi, còn bố mẹ thì không. Ảnh minh họa.

Bố mẹ ép buộc cả cảm xúc của chúng con, không cho chúng con nói ra những suy nghĩ cũng như cảm xúc của bản thân. Bố cho rằng, nghĩ không tốt về bố mẹ thì đứa con ấy lếu láo, không bằng giẻ rách, chỉ đáng vứt đi.

Bố vẫn nằng nặc cho rằng, là bố mẹ là luôn luôn đúng, vì bố mẹ nhiều tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống nên biết điều gì là đúng, là sai.

Con cảm thấy vô cùng ức chế với những suy nghĩ của bố, về cách giáo dục con cái của bố. Nếu bố cứ khăng khăng với cách dạy con bảo thủ như vậy thì em gái con sẽ càng ngày càng xa gia đình, em sẽ làm những việc tiêu cực để chống đối bố mẹ.

Chưa kể, không ít lần không chịu được sự ngang ngạnh, nhơn nhơn, bướng bỉnh của em, bố đã lao vào tát em. Sự giận dữ, thiếu kiềm chế của bố chỉ khiến em chán nản và rời xa bố mẹ hơn, không coi gia đình là nơi bình yên để trở về.

Bố mẹ luôn nói hy sinh mọi thứ cho các con và lấy sự hy sinh đó làm áp lực cho con, định hướng con sống một cuộc sống như bố mẹ mong muốn. Cách thương con của bố mẹ khiến bọn con thấy ngột ngạt.

Bố mẹ không biết có những lúc chúng con ngồi một mình khóc và giận bố mẹ đến thế nào. Giá như một lần, bố mẹ ngồi cạnh chúng con, hỏi chúng con có bế tắc, khó khăn gì trong cuộc sống thì hãy chia sẻ và về bên bố mẹ, bố mẹ sẽ không trách cứ, không đổ lỗi thì tốt biết mấy.

Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ