Dù mẹ mù, nhưng mẹ sẽ luôn bên con

GD&TĐ - "Bác sĩ nói con chị bị teo cơ, nếu không điều trị thì vài năm nữa sẽ bị bại liệt". Đó là lời chia sẻ của chị Phùng Thị Phương, người dân tộc Cao Lan, sống tại xóm Đồng Luông, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Chị Phùng Thị Phương (bên trái), cháu Phùng Minh Khang (ở giữa), bà ngoại cháu Khang (bên phải)
Chị Phùng Thị Phương (bên trái), cháu Phùng Minh Khang (ở giữa), bà ngoại cháu Khang (bên phải)

Một ngày đầu năm 2018, tôi tìm đến nhà chị Phương để tặng quần áo cũ, theo lời ủy thác của người quen.

Chị Phương và con trai Phùng Minh Anh (8 tuổi) sống trong một căn nhà tình nghĩa được địa phương xây tặng. Lúc này chị đang nấu cháo trong căn bếp lụp xụp, dựng bằng tấm phên nứa, đợi con trai đi học về cho kịp ăn bữa trưa. Chỉ là cháo thôi vì đó là những thứ tốt nhất mà người mẹ mù này có thể lo được cho con trai nhỏ của mình với hơn 900.000 tiền trợ cấp hàng tháng mà chị nhận được.

Mặc dù đã mù đôi mắt, nhưng chị Phương vẫn bước đi tự tin trong ngôi nhà, có lẽ vì đã quen với cách bài trí bên trong nên chị mới có thể đi lại như vậy. Vừa dừng xe, bước đến trước cửa mà chị Phương đã nhanh chóng phát hiện được có khách đến nhà và lên tiếng hỏi về sự có mặt của tôi. Ngôi nhà nhỏ, nơi mà chị và con trai sinh sống khá tối tăm. Nhưng sáng thì để làm gì khi vốn chị không thể nhìn được.

Do bị mù từ nhỏ nên chị Phương được địa phương ưu tiên cho đi học tập làm việc tại các trung tâm dành cho người khuyết tật. Duyên số đưa đẩy chị đến với một người đàn ông cùng cảnh ngộ nên từ đó chị đã có cháu Phùng Minh Khang, vừa làm con, vừa là người bạn nhỏ để trò chuyện cho vơi bớt sự cô đơn. Nhưng do duyên không bền nên hạnh phúc của chị đã không kéo dài, đó cũng là lí do cháu Minh Khang theo họ Phùng của mẹ.

Chị Phương tâm sự: "Ngày trước chị còn đi làm mát-xa người mù ở Hà Nội nên vẫn có đồng ra đồng vào. Giờ chỉ còn trông cậy vào hơn 900.000 đồng trợ cấp của địa phương nên nuôi cháu Khang càng khó khăn. Mua chịu cái giường gỗ của người ta lâu lắm rồi mà còn chưa có tiền trả, mặc dù họ không nhắc nhưng chị cũng thấy ngại".

Dù mắt không nhìn được nhưng chị Phương dường như đã tự luyện cho bản thân những khả năng khác nhằm bù đắp lại thiếu hụt thị lực. Chị có thể nhớ được khoảng 50 số điện thoại của người thân và bạn bè (chị không thể lưu được số điện thoại vào danh bạ nên phải ghi nhớ).

Hàng ngày, chị Phương thường nghe chương trình phát thanh dành cho người khiếm thị, đây cũng chính là kênh giải trí, giao lưu bạn bè gần xa cùng cảnh ngộ giúp chị vơi bớt nỗi buồn, cô đơn.

Hi vọng duy nhất rất mong manh

Như đã nói bên trên, cháu Phùng Minh Khang bị teo cơ bẩm sinh, thường xuyên đau ốm. Chị Phương xót xa tâm sự: "Đưa cháu đi khám, bác sĩ bảo là bệnh này nếu không duy trì điều trị thì sẽ dẫn đến bại liệt, mà chị thì chẳng đủ khả năng điều trị cho cháu. Nhiều khi biết con đau ốm, chị rất xót con mà đành bất lực.

Được sự quan tâm của địa phương và bà con hàng xóm nên cháu Khang vẫn được đưa đón và đi học miễn phí. Chị Phương tâm sự: "nó yếu lắm, đi chậm, bạn bè xung quanh nhảy lên xe ngồi hết rồi nhưng cháu Khang vẫn phải loay hoay mãi mới lên xe được". Ước mong duy nhất của chị Phương là làm sao chữa bệnh được cho cháu Khang, để khi về già còn có chỗ nương tựa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Quy chế tuyển sinh THCS và THPT do Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã thống nhất trong toàn quốc nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thi vào lớp 10,