Du lịch thành phố Hồ Chí Minh rục rịch khởi sắc

GD&TĐ - Trong những ngày đầu Xuân, du lịch TP Hồ Chí Minh khởi sắc, báo hiệu một năm thành công với nhiều kỳ vọng đối với ngành công nghiệp không khói của thành phố.

Du khách tham quan Lễ hội Tết Việt Nhâm Dần 2022 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Ảnh: Nam Sơn
Du khách tham quan Lễ hội Tết Việt Nhâm Dần 2022 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Ảnh: Nam Sơn

Nội địa khởi sắc

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế bao gồm cả khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam du lịch) và khách outbound (khách Việt đi du lịch nước ngoài) kể từ ngày 31/3. Cũng giống như các địa phương khác, TP Hồ Chí Minh đang mong chờ đề xuất này được phê duyệt để đẩy mạnh quá trình phục hồi du lịch.

Xác định thị trường du lịch nội địa đóng vai trò chủ lực, trong thời gian qua, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã đổi mới, sáng tạo để thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh. Thành phố đã đẩy mạnh liên kết du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19, tạo đà phục hồi nhanh ngành du lịch. Vì vậy, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh tiên phong trong việc khởi động lại quá trình liên kết du lịch an toàn cấp tỉnh, cấp vùng với 15 địa phương.

Đặc biệt, ngành du lịch thành phố tập trung “biến nguy thành cơ” bằng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực chuyển đổi số. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã công bố và cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc, hấp dẫn trên Google Maps, Google Earth, bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/3600.

Những nỗ lực đáng ghi nhận đó đã mang đến những kết quả khả quan. Không chỉ số lượng du khách từ các tỉnh, thành đến TP Hồ Chí Minh gia tăng, lượng người dân TP Hồ Chí Minh đi du lịch trong dịp Tết tại các địa phương khác cũng rất lớn.

Các đơn vị kinh doanh du lịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng khách trong dịp Tết Nhâm Dần tăng mạnh so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Theo thống kê, trong vòng 6 ngày, từ mùng 1 tới mùng 6 Tết Nhâm Dần, Khu Du lịch Suối Tiên (TP Thủ Đức) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (Quận 11) đón hơn 85.000 lượt khách tới tham quan, vui chơi, giải trí.

Đường sách TP Hồ Chí Minh thu hút gần 60.000 lượt khách tham quan, doanh thu ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng. Riêng hệ thống xe buýt 2 tầng tham quan thành phố trong dịp nghỉ Tết luôn trong tình trạng “cháy vé”.

Còn theo thông tin từ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group), đơn vị quản lý Đường hoa Nguyễn Huệ năm 2022, trong 9 ngày hoạt động với chủ đề “Xuân quê hương ấm tình nhân ái”, Đường hoa Nguyễn Huệ 2022 đã đón tiếp khoảng 350.000 lượt khách tham quan thưởng lãm, tăng 440% so với năm 2021.

Ngoài việc đón được nhiều du khách đi tham quan các điểm du lịch ở TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết, những doanh nghiệp du lịch của thành phố còn bán được nhiều tour du lịch đi các địa phương trên cả nước cho người dân TP Hồ Chí Minh.

Điển hình, Công ty TST Tourist đã đưa hơn 1.000 khách đi các tour miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Phú Quốc, Đà Lạt. Khách mua tour chủ yếu là nhóm khách gia đình, khởi hành từ ngày mùng 1 Tết. Hoặc Công ty Lữ hành Saigontourist phục vụ hơn 6.800 khách mua tour trọn gói đi Phú Quốc, Đà Lạt…

Du khách trải nghiệm tour du lịch “Bình Chánh - Những điều chưa kể” tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Nam Sơn
Du khách trải nghiệm tour du lịch “Bình Chánh - Những điều chưa kể” tại huyện Bình Chánh, TPHCM. 
Ảnh: Nam Sơn

Kỳ vọng du lịch quốc tế

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tổng doanh thu ngành du lịch của thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đạt khoảng 3.100 tỷ đồng. Số tiền này đến từ doanh thu vé tham quan, dịch vụ lưu trú và các dịch vụ ăn uống, vận chuyển… Cụ thể, lượng khách đến tham quan tại TPHCM trong dịp Tết đạt 300.000 lượt, doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng. Doanh thu đến từ khách lưu trú đạt khoảng 1.200 tỷ đồng với số lượng 500.000 phòng. Cao nhất trong số này là doanh thu đến từ việc khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vận chuyển... đạt khoảng 1.600 tỷ đồng với khoảng 1 triệu lượt.

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, việc du lịch nội địa tăng trưởng tốt sẽ tạo tiền đề cho du lịch quốc tế phát triển. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho việc đón khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh cũng như đưa người dân thành phố đi du lịch nước ngoài. Những đơn vị này đã đưa ra những sản phẩm, gói dịch vụ độc đáo, hấp dẫn, trong đó tập trung vào các thị trường ở châu Á, châu Đại Dương, châu Âu.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, cho biết đang có rất nhiều tín hiệu vui từ việc Chính phủ sẽ cho phép mở cửa du lịch quốc tế từ cuối tháng 3/2022.

“Nếu mọi việc diễn ra đúng dự kiến, chúng tôi sẽ có đoàn khách du lịch đầu tiên từ Thái Lan đến vào ngày 31/3 tới. Sau đó, có thể sẽ có đoàn đến hằng ngày, kéo dài cho đến hết tháng 9/2022. Dự báo việc kinh doanh của chúng tôi trong năm 2022 sẽ phục hồi ít nhất là bằng 50% của năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát”, ông Thủy chia sẻ.

Chia sẻ với báo giới, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết, nếu dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, trong năm 2022, thành phố dự kiến đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước tính đạt 97.700 tỷ đồng.

Trong trường hợp, đại dịch Covid-19 trong nước chưa thể khống chế hoàn toàn trong năm 2022, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã đề ra những mục tiêu hết sức cụ thể. Khi ấy, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đón 18 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 20% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước tính đạt 67.600 tỷ đồng.

Để đạt được những mục tiêu trên, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh và các đơn vị hữu quan sẽ phải nỗ lực tối đa, hỗ trợ, tăng cường chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và các tour tuyến. Và sẽ có nhiều sản phẩm du lịch mới được thiết kế để phục vụ du khách trong giai đoạn bình thường mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.