Trăm năm phải… lụy phà
Vàm Cống là bến phà lớn nhất miền Tây, nằm trên Quốc lộ 80, nối liền hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang, hình thành và hoạt động gần 100 năm, nhưng chưa xác định cụ thể năm thành lập.
Với từng ấy thời gian, bến phà Vàm Cống đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của người dân miền Tây. Hằng ngày phà cứ đưa, rước khách, nối liền hai bờ sông Hậu, hàng trăm gia đình hai bên bến cũng theo đó mưu sinh nhờ nghề bán cơm, nước, hàng rong, phục vụ cho giới tài xế và hành khách. Đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên của bến phà lên đến hàng trăm người, hết thế hệ này đến thế hệ khác cần mẫn làm việc để đảm bảo những chuyến phà vượt sông an toàn, kịp thời.
Cầu Vàm Cống hôm nay như một minh chứng cho sự chuyển mình của vùng đất Cửu Long |
Ông Nguyễn Phúc Nguyên - Bến trưởng Bến phà Vàm Cống, không rõ lịch sử hình thành bến phà, mà chỉ nghe những người trước kể lại bến có từ thời Pháp thuộc. Có thông tin cho rằng, bến phà được xây dựng từ năm 1929, nhưng chưa thể xác minh tính chính xác. Sau năm 1975 bến phà được địa phương tiếp nhận, quản lý. Năm 1997, bến phà được giao về Khu Quản lý đường bộ VII (thuộc Cục Đường bộ, tiền thân của Cục Quản lý đường bộ IV hiện nay). “Phà Vàm Cống đã có lịch sử hình thành lâu đời, đã gắn bó với biết bao thế hệ của người dân địa phương. Hình ảnh chuyến phà đưa, rước khách hằng ngày đã trở thành ký ức đẹp, không thể nào quên của rất nhiều thế hệ bà con tỉnh Đồng Tháp, An Giang và cả người dân miền Tây”, ông Nguyên cho biết.
Theo chia sẻ của các nhân viên kỹ thuật bến phà, trước đây phà cũ vận hành rất khó khăn, chạy chậm, có khi gần 1 giờ mới vượt qua sông. Nhất là mùa mưa bão, mùa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết nên lái phà hết sức vất vả, đòi hỏi thuyền trưởng có nhiều kinh nghiệm. Theo thuyền trưởng Phan Hoàng Mến, trước đây phà sử dụng công nghệ cũ, bánh lái rất to, để điều khiển phải dùng hết sức quay. Sau này phà đầu tư hiện đại, trang bị nhiều thiết bị an toàn, tiện lợi nên người lái phà đỡ vất vả hơn. “Mình gắn bó mấy chục năm với nghề, với bến phà, với anh em, bạn bè đồng nghiệp nên xem đây là gia đình thứ hai.
Khi cầu Vàm Cống nối nhịp, cũng là lúc anh em bến phà chúng tôi vừa mừng nhưng có pha chút nỗi buồn. Mừng vì từ nay đôi bờ sông Hậu đã được nối liền, phương tiện qua lại nhanh chóng, không còn lo kẹt xe, lụy phà như trước. Buồn vì từ nay anh em đồng nghiệp mỗi người một nơi, có người đi làm nghề khác, có người chuyển công tác, có người nghỉ chế độ… Từ nay không còn nghe tiếng máy phà chạy rôm rả một khúc sông, không còn nghe tiếng xe cộ, cười nói ồn ào, hối hả qua phà. Gắn bó với nghề, với bến phà mấy chục năm, biết bao kỷ niệm, giờ phà nghỉ nên ai cũng ngậm ngùi!”, thuyền trưởng Mến tâm sự.
Gần 1 thế kỷ, phà Vàm Cống đã đưa, rước khách, nối đôi bờ An Giang - Đồng Tháp. Ảnh: H. Vũ |
Với quy mô bến phà lớn nhất miền Tây, phà Vàm Cống vào những ngày thường, bình quân có hơn 40.000 lượt phương tiện, hành khách qua lại. Lúc cao điểm lễ, tết, cuối tuần, số lượng tăng lên gấp đôi. Bến phà có 10 chiếc, tải trọng từ 100 - 200 tấn, hoạt động 24/24 giờ hàng ngày. Để vận hành, 167 cán bộ, công nhân viên thay nhau làm việc theo ca, gồm ban lãnh đạo, thuyền trưởng, máy trưởng, bộ phận kỹ thuật, điều tiết, thủy thủ…
Hết thế hệ này đến thế hệ khác, tất cả cùng nhau làm việc để những chuyến phà cập bến an toàn. “Gắn bó với bến phà cũng gần 30 năm, giờ đây bến phà ngừng hoạt động trong lòng ai cũng cảm thấy luyến tiếc và nhớ nhung. Nhớ nhất là cảnh hành khách tấp nập lên, xuống phà. Ngày lễ, tết có khi kẹt xe vài km, tuy vất vả nhưng anh em ai cũng cố gắng làm việc để đảm bảo vận chuyển hành khách kịp thời. Cho tới những ngày cuối khi bến phà sắp ngừng hoạt động, ai cũng làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm”, lái tàu Hứa Văn Tổng tâm sự.
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Gắn bó với bến phà nhiều nhất là các lái phà, họ xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai. Ảnh: H. Vũ |
Kể từ 9 giờ ngày 30/6/2019, bến phà Vàm Cống chính thức dừng hoạt động. Chấm dứt khoảng thời gian khoảng 100 năm đưa đón khách, vận chuyển hàng hóa qua đôi bờ dòng sông Hậu, giúp giao thông khu vực miền Tây của ĐBSCL được đảm bảo thông suốt, an toàn. Bến phà đã hoàn thành sứ mệnh kết nối giao thông không chỉ riêng hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp mà cả miền Tây. Cảnh trăm năm qua sông phải lụy phà giờ chỉ còn là dĩ vãng, xa xa phía bến phà là cầu Vàm Cống - cây cầu dây văng hiện đại kết nối đôi bờ.
Cầu Vàm Cống vượt sông Hậu, kết nối thông suốt toàn tuyến Quốc lộ N2, song song với Quốc lộ 1A. Cầu Vàm Cống dài 2,97km, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, hai trụ tháp cao 143,9m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn ô tô và hai làn xe máy tách biệt. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6 m gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Cầu Vàm Cống có vai trò kết nối các tỉnh miền Tây với cả nước, giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên tắc nghẽn vào các dịp lễ, tết. Đặc biệt là người dân tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ được hưởng lợi nhiều, các mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương này sẽ được vận chuyển đến TPHCM một cách nhanh nhất.
Tất cả làm việc với tinh thần trách nhiệm cho đến chuyến phà cuối cùng. Ảnh: H. Vũ |
Gắn bó với bến phà là 167 cán bộ, nhân viên, theo kế hoạch, sau khi phà Vàm Cống dừng hoạt động sẽ bố trí 105 cán bộ, nhân viên và phà từ bến này về các bến phà Đình Khao (Vĩnh Long), Đại Ngãi (Sóc Trăng - Trà Vinh), Kênh Tắt và Láng Sắt (Trà Vinh). Đồng thời chi trả trợ cấp cho thôi việc 42 người có nguyện vọng được thôi việc, nghỉ việc hưởng chế độ. Bộ Giao thông vận tải và tỉnh An Giang cũng giới thiệu những lao động có nguyện vọng muốn tiếp tục làm việc tại địa phương để làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phà An Giang. Còn lại 4 phà gồm 2 phà 200 tấn và 2 phà 60 tấn sẽ được Bộ Giao thông Vận tải phân bổ cho các địa phương.
Hai bên bến phà, còn có hàng trăm người dân mưu sinh, tìm kế sinh nhai nhờ vào việc bán cơm, nước, bán hàng rong, chạy xe ôm… có người cả đời gắn với bến phà rồi sinh con, lập gia đình cũng từ bến phà này. Ngày nào tiếng xe cộ, khung cảnh rộn ràng mua bán trên bến phà còn rôm rả thì nay bến phà đã vắng lặng. Vốn dĩ quen với không khí náo nhiệt ở bến phà, giờ đây nhiều người cảm thấy nhớ về hình ảnh bến phà nhộn nhịp bậc nhất miền Tây. Hiện nay bến phà đìu hiu, không người qua lại, những bạn hàng buôn bán ngày nào phải tìm kế mưu sinh khác, có người chạy xe ôm, đi làm thuê, đi làm công nhân…
Một trong số hàng chục hộ sinh sống nhờ vào bến phà, bà Trần Thị Vui, năm nay 67 tuổi, đã có hơn 50 năm gắn bó với bến phà Vàm Cống phía bờ TP Long Xuyên (An Giang). Những ngày phà ngưng hoạt động, bà Vui bỏ nghề bán hàng rong, bà cho biết phà nghỉ cũng đến lúc bản thân mình “nghỉ hưu”. “Cả đời tôi sinh ra, lớn lên rồi mưu sinh nhờ bến phà này, làm nghề buôn bán hàng rong tuy không lời nhiều nhưng sống được qua ngày. Nhờ đó mà tôi lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi gây dựng gia đình, lo cho con ăn học thành tài. Mấy chục năm buôn bán khu vực bến phà có rất nhiều kỷ niệm vui buồn, giờ phà nghỉ tôi cũng thấy nhớ lắm. Từng tuổi này với mấy chục năm mưu sinh, giờ phà nghỉ chạy tôi cũng về hưu luôn. Tuy buồn nhưng bà con cũng phấn khởi vì có cầu, giao thông sẽ thuận lợi hơn, thuận lợi cho phát triển kinh tế, thế hệ sau này sẽ phát triển hơn”, bà Vui tâm tình.
Chuyến phà cuối cùng được các lái phà ngân tiếng còi dài như báo hiệu sứ mệnh lịch sử đã hoàn thành. Từng chiếc phà vào nơi neo đậu, cánh cổng xuống phà cũng khép lại và khóa kín. Dõi theo chuyến phà cuối cùng là những ánh mắt đượm buồn của người lái tàu, của anh công nhân kỹ thuật và nhiều ánh mắt của bà con sinh sống hai bên sông. Chuyến phà khép lại nhưng mở ra một trang sử mới với sự hiện diện của cầu Vàm Cống, cây cầu hiện đại mà nhiều người dân vẫn mơ từ mấy chục năm trước. Cây cầu nối liền đôi bờ cũng là lúc kinh tế, xã hội địa phương có cơ hội phát triển vượt bậc.