Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: 'Bài toán' nhân lực chờ 'lời giải'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hậu Covid-19, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khởi sắc với doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng.

Du lịch miền Tây được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng đang thiếu nguồn nhân lực.
Du lịch miền Tây được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng đang thiếu nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, “bài toán” về nhân lực của ngành vẫn chưa có “lời giải”.

Nhân lực thiếu, chất lượng không đều

Trong năm 2023, toàn vùng ĐBSCL đón gần 45 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn gấp 3 lần so với năm 2022. Doanh thu đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ 2022, thế nhưng các chuyên gia, nhà quản trị du lịch vẫn còn nhiều băn khoăn.

Nguyên do là tình trạng liên kết du lịch vùng còn yếu, sản phẩm du lịch trùng lắp, đặc biệt nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo của vùng quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương.

Theo thống kê, nhân lực du lịch qua đào tạo của vùng ĐBSCL chỉ đạt khoảng 61,5% trong năm 2020. Sau đợt dịch Covid-19, lực lượng lao động trong ngành bỏ việc, chuyển nghề rất nhiều. Không ít người đã bỏ nghề, chuyển ngành, trong khi nhân sự mới ra trường lại có xu hướng lựa chọn đến các trung tâm du lịch… nên doanh nghiệp “khát” nhân sự chất lượng cao.

Chia sẻ thông tin về nguồn nhân lực du lịch tại địa phương, Thạc sĩ Trần Nguyên Thảo, Khoa Quản trị lữ hành, hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ cho rằng, quy hoạch phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định rõ: Đến năm 2020 lực lượng lao động qua đào tạo chuyên môn phải đạt trên 80%; tuy nhiên, thực tế chỉ đạt 68,3%.

Giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị khách sạn, điểm vườn, lữ hành đóng cửa, hoặc cắt giảm nhân sự, nên lực lượng lao động trong ngành không tăng trưởng như định hướng. Cùng với đó, chất lượng lao động qua đào tạo cũng không đồng đều.

Ở các đơn vị quản lý, cơ sở đào tạo, lữ hành, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100%; nhưng lao động qua đào tạo ở các khu, điểm du lịch chỉ đạt 26,1% - thấp nhất trong ngành. Ở các điểm vườn, homestay, khu du lịch, hầu hết là gia đình tự quản lý, nhân viên chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.

Ngay cả tại các khu du lịch, điểm đến nổi tiếng, hầu hết lao động chỉ tham gia tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn, hoặc qua hình thức chia sẻ kinh nghiệm. Số lao động qua đào tạo tại các điểm này chiếm chưa tới 30% tổng số nhân viên. Sự chênh lệch về trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động du lịch cũng khá lớn. Ở một số doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình, có khoảng 90% nhân lực chưa qua đào tạo.

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel - Chi nhánh Cần Thơ đề xuất, trước thực trạng nhân lực phục vụ ngành còn hạn chế như hiện nay, cần đào tạo hướng dẫn viên du lịch và nhân viên trong ngành để cung cấp thông tin chính xác và hấp dẫn cho du khách, nâng cao khả năng giao tiếp và tiếp xúc ứng xử. Cần nâng cao trình độ ngoại ngữ một cách thực tế, để cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch.

Để phát triển tốt nhân lực du lịch, bà Lê Đình Minh Thy mong rằng, các địa phương cần có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa sự phối hợp, kết nối giữa các đơn vị trong hệ sinh thái du lịch vùng ĐBSCL. Trong đó, cần xây dựng mạng lưới dịch vụ đạt chuẩn (các điểm du lịch đạt chuẩn; các doanh nghiệp lữ hành đạt chuẩn…). Xây dựng các trung tâm văn hóa ẩm thực, gia tăng trải nghiệm thú vị cho du khách. Cùng với đó, cần có các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch tập trung vào những “thời điểm vàng” của mùa du lịch, thay vì làm dàn trải như hiện nay.

Sinh viên thực tập phục vụ khách du lịch tại doanh nghiệp.

Sinh viên thực tập phục vụ khách du lịch tại doanh nghiệp.

Cần bước đi phù hợp

TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, để giải quyết “bài toán” nhân lực cho ngành du lịch vùng cần thực hiện liên kết để doanh nghiệp du lịch tăng cường đầu tư phát triển; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng du lịch... Song, quan trọng hơn nội dung liên kết là giải pháp tổ chức thực hiện và phối hợp triển khai đề án với lộ trình, bước đi phù hợp.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhấn mạnh: Để thực hiện tốt cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, tập trung 3 mũi đột phá trong triển khai thực hiện là xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; tạo nguồn lực vật chất đầu tư và phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực du lịch vùng…

“Cần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù vùng để thu hút các nguồn lực đầu tư, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư; tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”, TS Trần Hữu Hiệp đề xuất.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, cần xây dựng chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên phát triển kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, kiến thức du lịch bản địa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại các cụm, không gian du lịch vùng được xác định.

Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch…

Đồng tình với quan điểm trên, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Để nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở quản lý du lịch trong việc đề xuất, tư vấn các cơ thế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin, đầu năm 2024 Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm triển khai các giải pháp nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực, đồng thời quan tâm đề án bồi dưỡng phát triển nhân lực du lịch ĐBSCL, tiếp tục chính sách giảm thuế... Nếu được chấp thuận, ngành du lịch ĐBSCL không chỉ “chuyển mình”, mà còn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.