Dự kiến thí sinh dùng mã định danh để đăng ký thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học năm 2022, chiều 16/3, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT đã giải đáp một số băn khoăn của các cơ sở đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường

Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh: Vụ đã tham mưu với lãnh đạo Bộ về công tác tuyển sinh. Đáng mừng là các đại biểu đồng tình cao về một số định hướng cũng như những dự kiến thay đổi trong công tác tuyển sinh năm 2022.

Liên quan đến giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm, ông Phạm Như Nghệ cho hay, để thực hiện sớm việc này, ngoài căn cứ năng lực của trường, còn nhu cầu của địa phương. Vì thế, đề nghị các địa phương rà soát về nhu cầu giáo viên để Bộ có cơ sở giao chỉ tiêu sớm hơn cho các trường sư phạm.

Ông Nghệ thông tin: Năm 2021, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm tăng cao và điểm chuẩn đối với ngành này cũng tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, trong đó có tác động từ Nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Nghị định này được Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ sinh viên học sư phạm, với mục tiêu thu hút được nhiều học sinh giỏi vào sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định này vẫn còn một số vướng mắc. Bộ đã phối hợp với các địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên để triển khai Nghị định 116 được thuận lợi.

Ông Phạm Như Nghệ trao đổi tại hội nghị.
Ông Phạm Như Nghệ trao đổi tại hội nghị.

Trao đổi về thực trạng thiếu giáo viên Tin học và tiếng Anh ở nhiều địa phương, lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học – khẳng định: Với những bộ môn này, Bộ giao tối đa chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học. “Về Quy chế tuyển sinh, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 5 tới đây” – ông Nghệ thông tin.

Khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nhấn mạnh, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Bảo đảm công bằng cho thí sinh

Theo ông Hải, cơ sở dữ liệu của Bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng bộ mã định danh, căn cước của giáo viên và tới đây sẽ là học sinh. Khi làm được điều này sẽ thuận lợi cho các dịch vụ trực tuyến; trong đó có việc đăng ký thi, xét tuyển đại học của thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh.

Muốn vậy phải xây dựng cơ sở dữ liệu. Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thành dữ liệu thống kê. Hiện, còn nhiều trường chưa cập nhật trên hệ thống dữ liệu của Bộ. Dữ liệu này sẽ phục vụ công tác quản lý của ngành; đồng thời hỗ trợ việc ban hành các chính sách, trong đó có liên quan đến công tác tuyển sinh.

Ông Nguyễn Sơn Hải phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Sơn Hải phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyển sinh.

Nhắc lại, năm 2016 chúng ta đã có bước chuyển lớn trong hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển thông qua phần mềm, Thứ trưởng nhấn mạnh: Điều này cho thấy sự thay đổi lớn về ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh và tạo được hiệu ứng tích cực.

Năm nay, Bộ chủ trương sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào cao đẳng sư phạm mầm non và đại học. “Đổi mới bao giờ cũng gắn với kế thừa và phát triển” - Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin không những giúp thí sinh đăng ký dễ dàng, mà các em gửi các minh chứng cũng được thuận lợi hơn. Mặt khác, việc này sẽ giúp các trường giảm được thí sinh ảo. Với các trường THPT, Sở GD&ĐT cũng giảm bớt các công việc liên quan đến hành chính.

Theo Thứ trưởng, việc cung cấp dữ liệu đã có của ngành, kết hợp với với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học nhằm thuận lợi cho thí sinh và các trường, đồng thời giảm thiểu những sai sót và tăng độ tin cậy trong quá trình xét tuyển.

Năm nay, ghi nhận các cơ sở giáo dục đại học sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển, Thứ trưởng cho rằng, đó cũng là ưu điểm của tự chủ đại học. Tuy nhiên, các trường cũng phải tăng trách nhiệm giải trình với người học và xã hội. Đồng thời phải bảo đảm công bằng cho các thí sinh giữa các phương thức khác nhau.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Các ý kiến bày tỏ thống nhất với chủ trương, định hướng của Bộ trong công tác tuyển sinh 2022. Những gì đã thống nhất tại hội nghị hôm nay sẽ được đưa vào Quy chế tuyển sinh và sẽ được chi tiết hoá bằng các điều, khoản để sớm ban hành. Bộ sẽ có hướng dẫn các sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT cập nhật dữ liệu của học sinh; trước mắt là với các em học lớp 12 đăng ký mã định danh để đăng ký thi và xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...