Cần sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022

GD&TĐ - Đại diện các cơ sở giáo dục đại học tán thành với chủ trương của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh; trong đó có một số dự kiến điều chỉnh trong năm 2022.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Các ý kiến thảo luận được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học năm 2022 – chiều 16/3.

Tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học

Tán thành với định hướng chung của Bộ GD&ĐT trong công tác tuyển sinh năm 2022, PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) – nêu ý kiến: Việc giữ ổn định  công tác tuyển sinh như năm 2021 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học.

PGS.TS Bùi Đức Triệu cũng nhất trí với 6 nội dung dự kiến điều chỉnh trong năm 2022; trong đó có việc dự kiến cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành; đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

PGS.TS Bùi Đức Triệu đề nghị, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy chế tuyển sinh 2022, bởi dù chủ trương là ổn định nhưng những điều chỉnh mang tính kỹ thuật (nếu có) cũng tác động lớn đến các thí sinh.

Hiện, các trường đại học đã quen với tự chủ tuyển sinh, nhất là trong 2 năm vừa, các trường đã hoàn thiện phần mềm xét tuyển, đăng ký nhập học tạo thuận lợi cho thí sinh. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng xây dựng phần mềm như vậy và đến thời điểm hiện tại vẫn hoạt động tốt. “Việc xây dựng phần mềm lọc ảo tốt sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học; nếu không sẽ lại là trở ngại” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.

Nhất trí với dự thảo về một số định hướng trong công tác tuyển sinh 2022, GS.TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – bày tỏ, hiện một số ngành khối nông - lâm - ngư nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh dù nhiều doanh nghiệp cam kết giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông hỗ trợ đào tạo kỹ sư ngành các ngành này, tuy nhiên việc tuyển sinh rất khó khăn. “Mong Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông đẩy mạnh công tác truyền thông mạnh đối với một số ngành truyền thống của khối nông – lâm – ngư-nghiệp” - GS.TS Phạm Văn Cường nêu ý kiến.

Các đại biểu thảo luận qua trực tuyến
Các đại biểu thảo luận qua trực tuyến

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh

Đề nghị sớm có quyết định giao chỉ tiêu cho ngành sư phạm, bởi còn liên quan đến các địa phương “đặt hàng” cho các trường đào tạo; TS Trương Quý Tùng – Phó Giám đốc Đại học Huế nhất trí với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, cần tiếp tục tăng quyền sử dụng công nghệ thông tin, bảo đảm phù hợp với các cơ sở đào tạo. Mặt khác, cần đề cao trách nhiệm giải trình của các đơn vị.

GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng đồng ý với quan điểm của Bộ trong tuyển sinh. Trong đó có việc ứng dụng cổng thông tin trong việc đăng ký xét tuyển, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; tạo tuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình xét tuyển.

Một số nội dung dự kiến điều chỉnh so với năm 2021

Thứ nhất: Việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. 

Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thứ ba: Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo. 

Thứ tư: Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Thứ năm: Cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Thứ sáu: Cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ