Dự kiến khoảng 9,3 triệu liều vắc xin Covid-19 được nhập về trong tháng 9/2021

GD&TĐ - Thông tin được đưa ra tại cuộc làm việc của Thủ tướng với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 sáng ngày 12/8.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin Nanocovax nêu rõ quan điểm, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã “truyền lửa, nhiệt huyết cho các cơ quan, các nhà khoa học”.

Vị lãnh đạo Học viện Quân y khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học, bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm.

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là phải tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vắc xin, “loại vắc xin tốt nhất là vắc xin được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”. Có vắc xin gì thì tiêm loại đó. Các nhà khoa học khẳng định hiệu quả của tất cả các loại vắc xin đã được cấp phép.

Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Trung tướng, GS. TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các ý kiến cũng cho rằng, Nghị quyết 86 của Chính phủ với những giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù đã cho thấy tinh thần “trách nhiệm, bản lĩnh, vì dân” của Chính phủ. PGS.TS. Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế cho biết, các đơn vị hết sức cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 86.

PGS.TS. Lê Văn Truyền khẳng định, sau khi Hội đồng đạo đức có ý kiến đối với thuốc, vắc xin thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ làm việc khẩn trương nhất có thể, họp bất kỳ lúc nào cần để thực hiện các quy trình xem xét, đánh giá, trình Bộ Y tế xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện theo đúng quy định.

Tháng 8 có thêm khoảng 3 triệu liều vắc xin về Việt Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch đang rất căng thẳng và vẫn thiếu vắc xin ở cả nước. TP Hồ Chí Minh rất cần vắc xin tiêm cho người dân để bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm và nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng.

Chúng ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vắc xin nhưng trong tháng 8/2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vắc xin về Việt Nam, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP Hồ Chí Minh để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hà Nội.

Trong tháng 9/2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vắc xin được nhập về. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ.

Theo Phó Thủ tướng, các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước như Nanocovax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, phải được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để khẩn trương cấp phép lưu hành khẩn cấp. Cấp bách nhất hiện nay là phải có vắc xin ngay thời điểm này để tiêm cho người dân nhiều nhất có thể.

Sau tháng 10/2021, vắc xin từ các hợp đồng mua của nước ngoài sẽ về rất nhiều (dự kiến trong quý IV sẽ có khoảng 60 triệu liều). Các dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của nước ngoài cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Các vắc xin trong nước cũng sẽ hoàn tất quy trình thử nghiệm lâm sàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.