TP Hồ Chí Minh phản hồi việc mua 5 triệu liều vắc xin Moderna

GD&TĐ - TP Hồ Chí Minh có văn bản phản hồi Bộ Y tế cho biết, các doanh nghiệp đang thương lượng và yêu cầu Moderna đảm bảo cung ứng tối thiểu 2 triệu liều vắc xin giao vào tháng 10/2021.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 11/8, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có văn bản phản hồi với Bộ Y tế về việc mua 5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 Moderna MRNA-1273 và thêm 10 triệu liều tăng cường trong thời gian từ nay đến quý 2/2022.

Theo đó, về tiến độ đàm phán và mua vắc xin Moderna, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi được sự chấp thuận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Công văn số 3988/VPCP-KGVX ngày 15/6/2021 về việc mua và nhập khẩu vắc xin, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phát hành Thư giới thiệu cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco) và Tập đoàn VinaCapital tiến hành đàm phán với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma là đại diện Nhà sản xuất vắc xin Moderna để mua 5 triệu liều vắc xin này.

Đến ngày 7/7/2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Công văn số 2261/UBND-VX giao Công ty Sapharco thực hiện nhiệm vụ đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố theo quy định pháp luật để thực hiện công tác tiêm chủng theo Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Trên cơ sở đó, Công ty Sapharco đã ký Bản điều khoản cơ bản cho việc cung cấp vắc xin Moderna và đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng mua 5 triệu liều vắc xin Moderna cùng các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo, ký hợp đồng chính thức.

Nếu hợp đồng được ký kết, lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4/2021 hoặc quý 1/2022.

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố, hiện Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiếp tục thương lượng, yêu cầu Moderma, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zuellig Pharma đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều vắc xin giao trong tháng 10/2021 và thêm ít nhất 10 triệu liều vắc xin mũi tăng cường giao trong đầu quý 2/2022 vì mũi thứ hai này rất quan trọng, hiện nay các nước đã đặt hàng nhiều.

Để bảo đảm việc tiếp cận vắc xin và tăng khả năng huy động nguồn lực của xã hội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế cần có chủ trương chính thức cho phép Tập đoàn VinaCapital thực hiện hợp tác công-tư, tổ chức thu phí tiêm vắc xin theo cơ chế “mua 5 liều vắc xin sẽ tặng xã hội một liều.”

Hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức tiêm cho các đối tượng có nhu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng.

Bên cạnh đó, căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 4, Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng; đồng thời xem xét tổng hợp nhu cầu vắc xin Moderna của các địa phương khác nhằm tăng số lượng đặt hàng vắc xin gồm 5 triệu liều chính, 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy giao hàng sớm và có thể giảm giá mua vắc xin cho thành phố.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Y tế xem xét, ký Bản cam kết miễn trừ trách nhiệm khi có yêu cầu từ nhà sản xuất, nhà cung ứng vắc xin.

Trước đó, ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc mua, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19, đề nghị thành phố cần khẳng định việc có đồng ý mua 5 triệu liều vaccine Covid-19 của Moderna hay không trước ngày 15/8.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ