“Cùng con” du học tại chỗ thời Covid-19: Để ước mơ không “đứt gãy” - Chất lượng thật - đầu tư đúng

GD&TĐ - Covid-19 mang lại nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho thị trường du học tại chỗ. Bởi có lẽ, không ai biết trước khi nào đại dịch sẽ kết thúc.

Nhiều sinh viên hài lòng khi du học tại chỗ. Ảnh minh họa
Nhiều sinh viên hài lòng khi du học tại chỗ. Ảnh minh họa

Khi du học tại chỗ, sinh viên sẽ có nhiều lợi thế về kinh phí, không phải xa nhà và được tiếp cận với những chương trình quốc tế. Tuy nhiên, việc tìm hiểu kỹ tổ chức giáo dục uy tín để theo học là vô cùng cần thiết.

Mong chờ “thắng lợi lớn”

Tại Việt Nam, tình hình dịch Covid-19 được cho là trong tầm kiểm soát, người dân hầu như có thể trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, với nhiều quốc gia trên thế giới, số ca mắc Covid-19 vẫn “trên đà” tăng. Và không ít quốc gia phát triển - từng là điểm đến du học mơ ước của các sinh viên như: Mỹ, Canada, Australia... - hiện vẫn chưa thoát khỏi sức nóng của dịch bệnh. Trước bối cảnh này, hàng loạt du học sinh quyết định trở về quê nhà.

Nhiều người có kế hoạch ra nước ngoài học tập cũng có chung lo ngại. Đa phần phụ huynh không muốn con rời Việt Nam để đối mặt với rủi ro. Với những yếu tố này, các trường đại học trong nước được coi là lựa chọn phù hợp nhất ở hiện tại. Tuy nhiên, không ít cha mẹ băn khoăn về việc, liệu các tổ chức giáo dục trong nước có đáp ứng được nhu cầu học tập quốc tế cho sinh viên?

Chắc chắn, nếu các trường trong nước trở thành điểm giáo dục đáng tin cậy với những sinh viên trở về từ nước ngoài, đó sẽ là “thắng lợi lớn” của Việt Nam.  “Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập. Đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay ở các cường quốc, lĩnh vực giáo dục góp phần tăng trưởng GDP rất lớn. Chúng ta có thể cùng các nước có nền giáo dục phát triển liên kết, trước tiên là cung cấp dịch vụ giáo dục tốt cho người học trong nước. Sau đó, có thể góp phần tăng trưởng GDP. 

Quan trọng là phù hợp

Theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 190 nghìn người Việt Nam học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất nhiều học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh phải về nước và chuyển sang học trực tuyến. Vì vậy, mục đích đi du học để tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, cơ hội thực tập, việc làm hấp dẫn, trải nghiệm văn hóa, ngôn ngữ… của nhiều du học sinh không thành hiện thực.

Nguyễn Minh Trang (25 tuổi), nhân viên thiết kế đồ họa tại một công ty ở Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Mỹ thuật tại Mỹ, tôi dự định tới Canada để tiếp tục theo học thạc sĩ. Tuy nhiên, đó cũng là lúc đại dịch bùng phát”.

Do Covid-19, chị Trang quyết định trở về Việt Nam. Thời gian đầu, Trang được trường phía Canada yêu cầu học trực tuyến. Tuy nhiên, do nhiều “bất cập”, nữ sinh viên này quyết định bảo lưu việc học.

“Mặc dù rất muốn học trực tuyến song song với đi làm tại Việt Nam, nhưng tôi nhận thấy mình không đủ sức để theo cả hai. Do múi giờ Canada chênh khá nhiều, nên mỗi khi theo học trực tuyến, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì giờ giấc sinh hoạt bị đảo lộn”.

Bên cạnh đó, chị Trang cho biết cảm thấy bị “thiệt”, bởi học phí khá cao dù là trực tuyến. Ngoài ra, chương trình học chủ yếu là lý thuyết, không có sự giao lưu với bạn học, giảng viên, không có thực hành hay hoạt động ngoại khóa. Do đó, mục tiêu du học của Minh Trang cũng vì thế mà trở nên dang dở.

Trong khi đó, Doãn Đức Khánh (19 tuổi) - sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), tâm sự: “Khi còn là học sinh lớp 12, em nhận được học bổng của một trường đại học tại Mỹ. Khi đã chuẩn bị gần như hoàn tất, Covid-19 bùng phát, kế hoạch của em phải tạm hoãn”.

Do lo ngại cho sự an toàn của Khánh, cha mẹ em động viên con ở nhà và ôn thi vào đại học trong nước. Hiện tại, nam sinh viên chia sẻ, cậu hoàn toàn hài lòng khi quyết định ở lại Việt Nam.

“Thay vì nơm nớp lo sợ mắc Covid-19 và chỉ ở nhà học trực tuyến, em có thể nhận được những kiến thức hữu ích trong môi trường học tập chất lượng ngay cả khi ở Việt Nam”, Khánh bày tỏ.

Không giống Trang và Khánh, Nguyễn Ngọc Anh (20 tuổi) quyết định trở về Việt Nam và theo học tại một trường quốc tế trong nước. Cô sinh viên trẻ tâm sự, thời gian đầu cảm thấy khá hụt hẫng vì ước mơ du học bỗng dang dở. Ngoài ra, thay đổi múi giờ và khác biệt trong môi trường sống cũng là những yếu tố khiến nữ sinh này mất động lực.

“Tuy nhiên, sau thời gian ngắn theo học tại trường quốc tế trong nước, em cảm thấy đó mới chính là nơi mình thuộc về. Em vẫn có thể học và tiếp cận kiến thức toàn cầu, giao tiếp bằng tiếng Anh với thầy cô, bạn bè. Đặc biệt, sau giờ học, em có thể trở về với cha mẹ thay vì chịu cảm giác nhớ nhà khi du học”, Ngọc Anh tâm sự.

Theo ông Tony Summers - Phó Giám đốc Học vụ, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV), một số lợi thế nổi bật của du học tại chỗ bao gồm: Theo học chương trình với bằng cấp quốc tế ngay tại quê hương, không phải xa nhà và tiết kiệm chi phí.

Chuyên gia này nhấn mạnh, dù là học ở đâu, điều quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp. Người học cần phù hợp về văn hóa, khí hậu, con người, khả năng tài chính. Đặc biệt, chương trình học cần phù hợp với khả năng, sở thích của người học.

Do đó, ông Tony Summers cho rằng, các phụ huynh và học sinh nên tập trung tìm hiểu, nghiên cứu để đi đến sự lựa chọn phù hợp.

“Tôi muốn nhấn mạnh khả năng thích ứng với thị trường lao động sau khi các em ra trường. Du học tại chỗ giúp các em vừa thu nhận kiến thức của nền giáo dục quốc tế, vừa có hiểu biết cụ thể về thị trường đặc thù tại châu Á và Việt Nam”, ông Summers nhấn mạnh.

Các khoa quốc tế đều tuyển chọn giảng viên nghiêm ngặt. Ảnh minh họa
Các khoa quốc tế đều tuyển chọn giảng viên nghiêm ngặt. Ảnh minh họa

Người nhập khẩu dịch vụ đào tạo

TS Nguyễn Trọng Do - nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải: “Chúng ta có thể hiểu đơn giản, du học tại chỗ là mang các chương trình đào tạo nước ngoài tiên tiến, phù hợp Việt Nam cho giới trẻ nước nhà. Bằng cách đó, chúng ta có thể tạo điều kiện cho sinh viên, học viên tham gia chương trình chuẩn tiên tiến quốc tế. Trong trường hợp này, các trường đại học nước ngoài trong vai trò là nhà xuất khẩu, còn chúng ta là người nhập khẩu dịch vụ đào tạo”.

Chia sẻ về những lợi ích của du học tại chỗ, ông Do cho biết, người học sẽ được đào tạo theo những chương trình của các nước với nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội việc làm tại các công ty ở nước ngoài hoặc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Song, điểm hạn chế là ở Việt Nam chưa thể có môi trường học thuật và giáo dục hoàn toàn giống trong khuôn viên của trường đại học ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, người học cũng sẽ có lợi về mặt kinh phí khi du học tại chỗ. Ví dụ, một sinh viên tại Mỹ chi 35.000 - 70.000 USD/năm, sinh viên Nga là 10.000 – 12.000 USD/năm, Trung Quốc 9.000 - 10.000 USD/năm, Thái Lan 6.500 - 7.500 USD/năm. Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam hiện cần chi ở mức 2.740 USD/người/năm.

“Năm 2019, Việt Nam có 24.392 sinh viên du học tại Mỹ, chi 881 triệu USD. Như vậy, mỗi sinh viên sẽ chi trên 36.100 USD/năm (gần 840 triệu đồng). Trong khi đó, chi phí cho mỗi sinh viên theo học chương trình du học tại chỗ khoảng 80 - 85 triệu đồng/năm, kể cả sinh hoạt phí. Chi phí cho mỗi sinh viên đã giảm khoảng 90% trong khi các em vẫn được học chương trình có chất lượng như ở nước ngoài”, TS Do dẫn chứng.

Lợi ích tiếp theo là người học không phải xa nhà, hay lo ăn ở tại nước ngoài. Người học cũng có lợi khi tiếp xúc với nội dung học thuật. TS Do lấy ví dụ, khi học về các vấn đề kinh tế, luật pháp, các giảng viên người Pháp, Mỹ, Nga, Anh, Malaysia, Đài Loan... cũng lấy số liệu của Việt Nam. Trong khi đó, giảng viên Việt Nam dạy bằng tiếng Anh cũng lấy tư liệu, tài liệu minh chứng gắn bó với Việt Nam. Ở đây, sinh viên được học bằng giáo trình nước ngoài, nhưng có kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm xã hội Việt Nam.

“Những trường liên kết đều phê duyệt nghiêm ngặt giảng viên tham gia giảng dạy. Ví dụ, muốn dạy về luật thuế của Úc, mỗi giảng viên phải được đào tạo tại Úc ít nhất 18 tín chỉ. Do đó, những chương trình chất lượng, có kiểm định chất lượng giáo viên, phải có chất lượng tương đồng thì đơn vị cấp văn bằng nước ngoài mới công nhận”, chuyên gia cho biết.

Theo TS Do, khi chọn nghề, chọn trường, cần đánh giá bản thân có thế mạnh nào, sở trường cụ thể, mối quan tâm, hay đam mê nào. Chuyên gia khuyến cáo, người học nên lựa chọn những trường đại học, có chương trình liên kết đã được kiểm định ở nước ngoài, đồng thời được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chính thức công nhận văn bằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ