Australia: Trường đại học “khát” nhân lực lãnh đạo

GD&TĐ - Nhiều trường ĐH tại Australia đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng học giả có đủ khả năng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trường. Các chuyên gia nhận định, đầu tư nghiêm túc vào lực lượng lao động nhằm “xây dựng tài năng trong tương lai” là điều vô cùng cần thiết.

Nhiều lãnh đạo ĐH tại Australia quyết định chuyển sang làm việc ở lĩnh vực khác
Nhiều lãnh đạo ĐH tại Australia quyết định chuyển sang làm việc ở lĩnh vực khác

Trường đại học không trực tiếp tuyển dụng

Mới đây, các nhà quản lý GD tại Australia: Susan Loomes, Allison Owens và Grace McCartney đã công bố nghiên cứu mang tên “Mô hình tuyển dụng các nhà lãnh đạo vào các trường ĐH Australia và ý nghĩa cho tương lai của nền GDĐH”.

Kết quả từ báo cáo này cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt, lực lượng lao động già hóa và không có kế hoạch kế nhiệm là những yếu tố khiến các trường ĐH Australia khó thu hút những học giả hàng đầu nhằm thay thế các vị trí lãnh đạo cấp cao.

Tình hình thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến các cơ sở GD này phải nhờ tới sự trợ giúp từ công ty tuyển dụng để có thể tìm được những người có tài năng không chỉ ở trong nước, mà còn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù các trường ĐH Australia đang chi những khoản tiền không nhỏ cho việc thuê các học giả từ bên ngoài, nhưng lại không có sự đầu tư vào việc phát triển các nhà lãnh đạo tại chính tổ chức của họ. “Các trường ĐH sẽ được lãnh đạo tốt hơn bằng cách đào tạo và tạo cơ hội cho đội ngũ nhân viên sẵn có trong trường”, các nhà nghiên cứu nhận định.

Theo đó, xu hướng thuê nhân công hợp đồng với mức lương thấp hơn đang ngày càng phổ biến ở những cơ sở GD nước này. Mặt khác, để đầu tư vào việc cải thiện khả năng của các học giả sẵn có trong trường, nhằm đảm nhận các vị trí lãnh đạo, các chuyên gia tuyển dụng sẽ cần lập ra kế hoạch toàn diện như: Kế hoạch kế nhiệm, phát triển chuyên môn và cố vấn để xây dựng lực lượng lao động từ bên trong.

Mặt khác, các tác giả của nghiên cứu cũng cho rằng, “việc tuyển dụng người từ ngoài trường sẽ mang tới những ý tưởng và cách thức mới cũng là điều quan trọng”. Do “môi trường năng động và luôn thay đổi” tại các trường ĐH, các nhà quản lý luôn phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau và thậm chí là đặt họ vào vị trí rủi ro. “Những áp lực đã trở nên nặng nề hơn, khi nguồn tài trợ của chính phủ giảm, buộc những mô hình GD này phải vận hành như một công ty hoặc doanh nghiệp”, nghiên cứu khẳng định.

Trong một báo cáo của Công ty Ernst & Young, các nhà lãnh đạo trường ĐH tại Australia tuyên bố cần phải hành động một cách nhanh chóng, “nhằm trang bị lực lượng tổ chức có đủ khả năng để cạnh tranh trong một thế giới rất khác so với hiện tại”. “Đồng thời, các trường đang phải vận hành trong bối cảnh chính phủ Australia cắt giảm tài trợ khiến cho những thay đổi đó trở nên khó khăn hơn. Điều này cho thấy, bất kỳ giải pháp nào cũng cần có sự hợp tác của cả chính phủ và lãnh đạo trường ĐH”, tác giả nghiên cứu nói thêm.

Chính sách khiến GDĐH tụt hậu

Nghiên cứu cũng liệt kê hàng loạt thay đổi trong chính sách của Australia dẫn đến tác động không nhỏ tới hệ thống giáo dục ĐH nước này. Năm 1989, chương trình đóng góp vào GDĐH duy nhất tại Australia (HECS), được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho các SV ĐH nước này có đủ khả năng trang trải học phí.

Ngoài ra, nhiều chính sách khác cũng lần lượt được chính phủ nước này thông qua vào các năm 1987, 2008, 2010. Năm 2011, Australia thành lập Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học, nhằm đưa ra quy định và bảo đảm chất lượng của ngành GDĐH; Thực hiện chương trình thị thực SV vào năm 2012.

Năm 2017, chính phủ nước này tiếp tục đề ra khung tiêu chuẩn GDĐH mới sau khi đã sửa đổi và quyết định chấm dứt “Hệ thống tài trợ trường ĐH theo nhu cầu”, bằng cách đóng băng ngân quỹ liên bang trong vòng hai năm, tạo ra nguy cơ lớn đối với nền tài chính của các trường ĐH.

Có thể nói rằng, tất cả chính sách được ban hành trong suốt nhiều năm qua đã mang lại một chuỗi biến động không hề nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà lãnh đạo tại các trường ĐH Australia quyết định nghỉ hưu hoặc chuyển sang một lĩnh vực khác.

Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu khẳng định, sự thay đổi liên tục trong chính sách của chính phủ Australia cũng khiến việc quản lý các cơ sở GD ĐH trở nên phức tạp và khó khăn hơn, mang lại nhiều thách thức lớn cho lãnh đạo các trường.

Bên cạnh đó, nhân viên và SV tại cơ sở GDĐH ngày càng phải cạnh tranh khốc liệt hơn, cùng với lực lượng lao động học thuật đang bị già hóa, cụm từ “vị trí lãnh đạo trường ĐH” không còn trở nên hấp dẫn và thu hút như trước. Thêm vào đó, nhiều người cho biết không còn hứng thú với công việc tại trường ĐH nước này do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả việc trường không hề có kế hoạch kế nhiệm. Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh: “Chính những yếu tố nói trên đã khiến các trường ĐH tại Australia ngày càng khó thu hút nhà quản lý có chuyên môn tốt và tài năng thực sự”.

Ngoài ra, những phương pháp tuyển dụng truyền thống như quảng cáo, hay thông qua truyền thông cũng không còn mang lại hiệu quả. Bởi vậy, các cơ sở GDĐH đã quyết định lựa chọn công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng, nhằm hỗ trợ các trường này tìm được người đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, mặt trái của việc “phó mặc” hoàn toàn trách nhiệm tìm kiếm các nhà lãnh đạo mới cho những công ty bên ngoài, các trường ĐH tại Australia cũng tự thoái vốn và mang tới ảnh hưởng không nhỏ tới việc lựa chọn ứng viên cho vị trí lãnh đạo.

“Các trường ĐH cần có sự đầu tư nghiêm túc và đưa ra cam kết trong việc lên kế hoạch cụ thể cho lực lượng lao động, bằng cách xây dựng tài năng trong tương lai, nhằm không chỉ giữ lại kiến thức, lòng trung thành và văn hóa của trường, mà còn thúc đẩy trách nhiệm thực sự từ nhân viên. Chỉ có như vậy, nhà trường mới được coi là một nhà tuyển dụng, thay vì phải trông cậy vào dịch vụ tìm kiếm nhân viên từ các công ty bên ngoài”, các tác giả đồng kết luận.

Theo UniversityWorld News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ