Australia: Sinh viên quốc tế “cắn răng” chịu bóc lột sức lao động

GD&TĐ - Vấn đề bóc lột sức lao động du học sinh đã tồn đọng tại Australia trong nhiều năm nhưng chưa tìm được cách giải quyết. Nhiều sinh viên quốc tế đang gồng mình hoàn thành những công việc quá sức với mức lương thấp.

Nhiều du học sinh tại Australia nhận lương thấp hơn mức tối thiểu.
Nhiều du học sinh tại Australia nhận lương thấp hơn mức tối thiểu.

Lặng im chấp nhận

Tại Australia, tình trạng sinh viên quốc tế bị bóc lột sức lao động đã tồn tại trong nhiều năm. Hầu hết du học sinh đều nhận thức họ được trả lương dưới mức tối thiểu, nhưng rất ít người phàn nàn về điều này.

Kết quả báo cáo năm 2020 của tổ chức Sinh viên quốc tế tại Australia cho thấy, hơn 3/4 sinh viên trên 20 tuổi nhận lương dưới mức tối thiểu theo quy định hiện hành. 20% người được hỏi làm việc với mức lương 12 USD/giờ hoặc ít hơn.

Trong khi đó, khảo sát năm 2016 ước tính chỉ 10% sinh viên bị trả lương thấp đã kiến nghị lên Fair Work Ombudsman (FWO, cơ quan quản lý việc làm dành cho sinh viên quốc tế tại Australia).

Amanda, du học sinh tại thành phố Melbourne, Australia, đang làm hai công việc bán thời gian nhưng nhận mức lương theo giờ thấp hơn quy định chung. Theo đó, Amanda chỉ được trả 18 USD/giờ khi làm trong nhà hàng và 15 USD/giờ khi làm ở quán cafe.

Trong khi mức lương tối thiểu được quy định là 24,8 USD/giờ. Amanda cho biết: “Tôi sẵn sàng làm công việc tay chân còn hơn không có việc để làm. Học tập là ưu tiên hàng đầu của tôi. Những công việc này giúp tôi có thể bám trụ tại Australia và trang trải phần nào sinh hoạt phí nên tôi không thể bỏ lỡ”.

Dito, du học sinh người Indonesia, chia sẻ, việc bị trả lương thấp là điều hoàn toàn bình thường với sinh viên quốc tế. Nam sinh hiện đang làm phục vụ toàn thời gian tại một nhà hàng ở phía Nam thành phố Melbourne với mức lương 12 USD/giờ.

“Tôi không bận tâm nếu đây là mức lương thấp hơn tiêu chuẩn vì tôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng. Tôi làm công việc này để tích luỹ kinh nghiệm và mức lương này gần như là phổ biến”, Dito chia sẻ.

GS Alex Reilly, làm việc tại Trường Đại học Adelaide, Australia, chỉ ra thực tế rằng, đa phần sinh viên quốc tế cảm thấy hài lòng với công việc làm thêm, dù nhận lương thấp. Nhiều em coi công việc “lương bèo” là cơ hội tích luỹ kinh nghiệm, giao lưu với người dân bản địa và cải thiện kỹ năng tiếng Anh. Dù không nhận được khoản tiền xứng đáng, du học sinh vẫn cảm thấy may mắn khi được tuyển dụng và đào tạo từ con số 0.

Tâm lý sợ rắc rối

“Nếu chấp nhận làm việc với mức lương thấp, sinh viên đang kìm hãm sự phát triển của bản thân, tạo ra một tầng lớp người lao động bị bóc lột. Về lâu dài, các nhà tuyển dụng sẽ xem nhẹ giá trị lao động của du học sinh, coi việc cắt xén lương của các em là điều bình thường”.
Giáo sư  ALEX REILLY

GS Reilly cho biết, một số sinh viên không tố cáo bất cập vì các em làm thêm nhiều hơn quy định. Việc tố cáo có thể ảnh hưởng đến thị thực, thậm chí là bị trục xuất và không thể hoàn thành chương trình học.

Theo quy định của Chính phủ Australia, sinh viên quốc tế chỉ được làm thêm tối đa 40 giờ/2 tuần trong thời gian học. Tuy nhiên, đầu tháng 5, chính phủ đã dỡ bỏ yêu cầu đối với sinh viên ngành du lịch, khách sạn.

Ngoài ra, nhóm này có thể chuyển từ thị thực tạm thời sang “thị thực đại dịch Covid-19”, cho phép ở lại Australia tối đa 12 tháng.

Bà Manorani Guy, đồng sáng lập VicWISE, tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ du học sinh về vấn đề việc làm, lý giải nhiều sinh viên làm thêm quá số giờ quy định vì gặp khó khăn tài chính.

Mỗi tháng, hoá đơn sinh hoạt, tiền mua thức ăn hay tiền đóng học phí là điều mà sinh viên lo lắng hơn việc bị bóc lột. Cắn răng chịu mức tiền thấp nhưng vừa đủ cho sinh hoạt sẽ tốt hơn việc tố cáo với nhiều khả năng bị lật tẩy làm thêm sai quy định.

Tuy nhiên, GS Reilly khuyên nhủ sinh viên quốc tế không nên sợ hãi khi kiến nghị với FWO về vấn đề thu nhập tại nơi làm việc. Tổ chức này cam kết không chia sẻ thông tin của sinh viên với các cơ quan chức năng khác.

Phát ngôn viên của FWO cho biết, sinh viên có thể báo cáo vấn đề mà không sợ bị huỷ thị thực. Vấn đề FWO quan tâm nhiều nhất là sinh viên nước ngoài không bị lợi dụng hay bị bóc lột trong công việc. Một khi bỏ công sức, các em xứng đáng nhận về số tiền giá trị tương đương.

Trong giai đoạn 2019 - 2020, FWO đã phối hợp với toà án bang, thành phố xử lý khoảng 44% vụ kiện của người lao động có thị thực tại Australia, thu hồi 1,7 triệu USD. Thời gian tới, FWO khuyến khích du học sinh báo cáo các vấn đề thông qua một nền tảng miễn phí, ẩn danh.

“Người lao động tại Australia có quyền bình đẳng, bất kể quốc tịch hay tình trạng thị thực. FWO đã thoả thuận với Bộ Nội vụ để giúp đỡ người có thị thực giải quyết các vấn đề về lao động. Nhưng thị thực của họ sẽ không bị huỷ nếu vi phạm các quy định liên quan”, người phát ngôn của FWO cho biết.

GS Reilly cảnh báo, đại dịch Covid-19 khiến du học sinh đến Australia giảm mạnh. Các công ty, doanh nghiệp hay nhà hàng, quán cafe sẽ thiếu hụt lượng lớn nhân viên làm thêm.

Nếu tiếp tục trả lương thấp, họ sẽ không có đủ nguồn nhân lực khi tình hình dịch bệnh trong nước có chuyển biến tốt. Vì vậy, thay vì tiếp tục cắt xén tiền lương, các nhà tuyển dụng nên tìm cách giữ chân nhân viên trong thời gian tới.

Theo ABCAu News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.
Khi vùng đệm được thiết lập, việc tấn công lãnh thổ Nga nằm ngoài khả năng của M777 Ukraine.

Căng thẳng tạo vùng đệm?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin tuyên bố Nga phải tạo ra một "vùng đệm" tại các vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát.