Nhiều sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài gặp khó khăn về tài chính. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, số học sinh nước này đi du học đã giảm mạnh sau đại dịch Covid-19.
“Cú sốc” kinh tế
Grace Wang thức dậy vào khoảng 6 giờ sáng hàng ngày. Cô dành cả ngày để trồng cây ở một khu vực ngoại ô tại Phần Lan. Mang theo những chiếc giỏ đầy cây con, Wang và những người trồng rừng khác lê bước trên con đường đất gồ ghề rải đầy cỏ dại và cành cây. Mỗi bước tiến tới khu vực trồng cây được chỉ định, sức nặng của chiếc giỏ càng đè nặng lên đôi vai mỏi mệt của cô.
“Trước đây, tôi chưa bao giờ làm kiểu công việc chân tay này”, cô gái 21 tuổi người Trung Quốc chia sẻ. Nữ sinh này đến Phần Lan vào năm ngoái để theo đuổi bằng đại học về kinh doanh quốc tế. Giờ đây, cô có thể trồng tới 800 cây con mỗi ngày. Với công việc này, mỗi một cây trồng, cô sẽ kiếm được 0,11 euro (0,12 USD).
Công việc làm thêm vào mùa Hè là “chìa khóa” để Wang có thể tiếp tục việc học của mình. Công việc kinh doanh của cha mẹ cô ở Trung Quốc đã rơi vào tình trạng sa sút trong đại dịch Covid-19 và sau đó đã phải đóng cửa, trước khi chính sách “Zero Covid” được đưa ra vào cuối năm ngoái. Thực tế, trường hợp của Grace Wang không phải là hiếm. Nhiều sinh viên Trung Quốc du học ở nước ngoài cũng gặp phải vấn đề tài chính tương tự.
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, tổng số sinh viên du học của đất nước đạt mức cao kỷ lục 703.500 vào năm 2019. Tuy nhên, con số này đã giảm xuống còn 450.900 vào năm 2020 trước khi phục hồi và đạt 662.100 người vào năm ngoái.
Gánh nặng tài chính ngày càng trầm trọng
Đại dịch kéo dài 3 năm đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc nói chung, làm giảm mức tăng trưởng hàng năm từ 6,0% vào năm 2019 xuống mức trung bình 5,2% trong hai năm qua. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đó, quá trình phục hồi sau Covid-19 của những doanh nghiệp này diễn ra rất chậm.
Ông Chen Jianwei - nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những gia đình trung lưu thường là động lực chính thúc đẩy việc du học. Dòng thu nhập và lượng tài sản của các nhóm này bị ảnh hưởng bởi những cú sốc kinh tế. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính cho việc học tập ở nước ngoài của con họ”.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của New Oriental - cơ quan du học hàng đầu ở Trung Quốc, gần 40% gia đình gửi con ra nước ngoài du học có mức thu nhập hàng năm từ 100.000 - 300.000 nhân dân tệ (13.688 - 41.066 USD). Ít hộ gia đình kiếm được 300.000 - 500.000 nhân dân tệ hàng năm (15,7%). Trong khi đó, chỉ có 4% là từ các gia đình giàu có với thu nhập hàng năm từ 1 triệu nhân dân tệ trở lên.
Nhà nghiên cứu Chen lưu ý rằng, việc sa thải và cắt giảm lương của nhiều công ty lớn, cũng như rủi ro cục bộ trong các lĩnh vực như thị trường bất động sản và đầu tư ủy thác, đã khiến tài sản của nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và gia đình trung lưu bị thu hẹp. Đồng nhân dân tệ rơi vào tình trạng mất giá, giảm hơn 5% so với đồng đô la Mỹ trong năm qua. Đây cũng là yếu tố khiến gánh nặng tài chính của nhiều gia đình trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, nữ sinh Graze Wang bắt đầu đối mặt với nhiều lo lắng như chi phí sinh hoạt ở nước ngoài cao, việc học phải gián đoạn, trở về Trung Quốc. “Bố mẹ tôi nhấn mạnh rằng, tình hình kinh tế ở quê nhà không tốt. Tôi cảm thấy mọi người đều bị áp lực”, Wang cho biết.
Trước tình hình này, nữ sinh quyết định cắt giảm chi phí bằng cách không mua quần áo mới, nấu ăn ở nhà và mua đồ ăn rẻ hơn. Chi phí hàng tháng của cô giảm từ 10.000 nhân dân tệ, bao gồm cả tiền thuê nhà, xuống còn khoảng 6.000 - 7.000 nhân dân tệ. “Tôi bắt đầu làm công việc bán thời gian để giảm bớt áp lực tài chính cho bố mẹ. Tôi phải chịu trách nhiệm về việc tiêu dùng của chính mình”, nữ sinh chia sẻ.
Sinh viên tại Đại học Melbourne, Australia. Ảnh: The University of Melbourne Fanpage |
Rủi ro khi du học
Đối với sinh viên theo học các chương trình có chi phí cao hơn, khó khăn về tài chính thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Ở Mỹ, học phí tại các trường đại học tư đã tăng 134% trong 20 năm qua. Theo thống kê của US News & World Report, học phí và lệ phí ngoài tiểu bang tại các trường đại học công lập tăng 141% trong cùng thời gian. Trong khi đó, học phí và lệ phí trong tiểu bang tăng nhiều nhất, ở mức 175%.
Louis Liu - người đang theo học chương trình nha khoa 5 năm tại Trường Đại học Bang New York cho biết: “Học phí hàng năm xấp xỉ 160.000 USD”. Tuy nhiên, khi sắp bắt đầu học năm thứ 4 vào năm 2021, Liu đã phải bỏ học. Chuỗi trường mẫu giáo của gia đình anh - “gà đẻ trứng vàng” mang lại lợi nhuận hàng triệu nhân dân tệ, đã phá sản sau một trận lũ lụt nghiêm trọng và sự bùng phát của đại dịch.
“Trước đây, tôi sở hữu một chiếc xe thể thao. Rồi đột nhiên, tôi nhận ra mình thậm chí không còn nổi 3.000 nhân dân tệ trong túi. Tôi thực sự không khuyến khích những người trẻ xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động không có nhiều tiền tiết kiệm đi du học”, Liu cho biết.
Sau biến cố, Liu làm việc cả ngày ở cửa hàng tiện lợi. Ban đêm, anh tiếp tục làm việc ở McDonald’s. Thu nhập dù gấp đôi nhưng hầu như không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt của anh, chưa kể học phí.
Cuối cùng, Liu quyết định từ bỏ việc trở thành nha sĩ ở Mỹ và trở về Trung Quốc mà không có bằng đại học. “Khi bắt đầu tìm việc, tôi cảm thấy mình là người từ Mỹ trở về nên có thái độ khá tự hào. Tôi cần thời gian để thích nghi trước sự thay đổi này”, Liu cho biết.
Nam sinh 26 tuổi đã mất một thời gian dài tìm kiếm việc làm trước khi quyết định trở thành tài xế công nghệ vào đầu năm nay. Công việc này mang lại cho anh mức lương hàng tháng hơn 10.000 nhân dân tệ với thời gian làm việc tương đối linh hoạt.
Sinh viên Trung Quốc phải làm thêm, sống tiết kiệm để duy trì việc học tại nước ngoài. |
“Tôi thực sự không khuyến khích những người trẻ xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động không có nhiều tiền tiết kiệm nên đi học ở nước ngoài, đặc biệt là những người muốn quay lại làm việc ở Trung Quốc. Sẽ tốt hơn nếu dùng số tiền đó để mua nhà ở Trung Quốc”, Liu nhận định.
Trong bối cảnh nhiều mức thu nhập của nhiều gia đình sụt giảm, rủi ro khi đi du học cũng tăng lên. Trong khi đó, lợi ích kinh tế cũng khác xa so với trước đây. Chen - nhà nghiên cứu của trường đại học, chỉ ra rằng, tỷ lệ đầu vào - đầu ra của việc du học là không tối ưu.
Chi phí ngày càng tăng và tín chỉ học tập ở nước ngoài không thể mang lại lợi thế tương tự trên thị trường việc làm như trước đây, trong bối cảnh cạnh tranh việc làm gay gắt. Cơ hội phát triển ở Trung Quốc cũng tăng lên, khiến việc du học trở nên không cần thiết đối với nhiều người. Song, theo ông Chen, triển vọng thành công nhờ du học không phải là không có.
“Đối với những người có thể gánh vác chi phí, du học vẫn là một con đường hợp lý. Chất lượng giáo dục ở một số nước phát triển tương đối cao. Những sinh viên ra nước ngoài có xu hướng có tầm nhìn thế giới rộng mở hơn và kết quả thu được vẫn có thể rất đáng kể”, chuyên gia chia sẻ.
Một thống kê chỉ ra rằng, trong năm 2022, chỉ 7% số người tốt nghiệp Trường Đại học Thanh Hoa, cả bậc cử nhân và cao học, tiếp tục theo đuổi học vấn ở nước ngoài. Tương tự, Trường Đại học Bắc Kinh ghi nhận 14% trong gần 3.200 sinh viên sang nước ngoài học tiếp.
Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2017. Đại dịch Covid-19 được cho là tác động trực tiếp đến sự chuyển dịch này. Song, theo một số chuyên gia, bên cạnh đó, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc khoa học và công nghệ toàn cầu, khác xa so với đầu thế kỷ.
Báo cáo vào tháng 6 của Nature Index - cơ quan nghiên cứu và xếp hạng học thuật toàn cầu, cho thấy, các tổ chức của Trung Quốc vượt Mỹ và các nước phương Tây về số lượng công bố bài báo khoa học.
Trung Quốc nằm trong số các quốc gia có học sinh đi du học nhiều nhất thế giới. Theo Viện Giáo dục quốc tế IIE, người học Trung Quốc thường chiếm 1/3 tổng số khoảng một triệu sinh viên quốc tế bậc đại học ở Mỹ. Ngoài Mỹ, điểm đến ưa thích của du học sinh Trung Quốc là Anh, Canada và Australia. Số liệu tổng hợp từ 2001 - 2018 cho thấy, khoảng 90% du học sinh Trung Quốc đi học theo diện tự túc.