Năm nay, sau 1 năm vắng bóng, Táo Quân đã trở lại với khán giả. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều kiều bào ở nước ngoài, du học sinh Việt không về nước được. Chính vì vậy, chương trình Gặp nhau cuối năm đã phát sóng trên các kênh xã hội để mọi người cùng theo dõi.
Trên trang cuộc sống nước Mỹ, du học sinh chia sẻ: “Một mùa Táo quân nữa lại đến, thấy Táo quân là thấy Tết. Tự nhiên, nghe lòng mình chùng xuống, biết bao nhiêu kỷ niệm cũ lại cuồn cuộn trào về…
Đối với những người dân Việt Nam, Tết nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm, tiễn đưa năm cũ và chào đón một năm mới đến. Tết là dịp cho mọi người sum họp và đoàn tụ, dù đi xa đến đâu, có công việc như thế nào thì đều cố gắng “về nhà”….Tết – chỉ một chữ thôi nhưng đối với những người con xa quê hương như tôi thì nó thật thiêng liêng biết mấy. Tết – đó là dịp những người con dù ở đâu trên thế giới này đều hướng về một nơi – nguồn cội”.
Một du học sinh khác chia sẻ: “Một điều trong 1001 những điều làm nên một cái Tết ở Việt Nam không thể nào không nhắc đến Táo quân. Đây có thể được coi là một chương trình quốc dân, chương trình mà mọi người dân Việt Nam đều mong chờ vào ngày 30 Tết. Cả nhà quây quần bên mâm cơm, xem Táo Quân, chầm chậm đón chờ chiều cuối năm sắp qua đi….”.
Chị Hoàng Thị Phương – Việt kiều tại Đức chia sẻ: "Chiều 30 nhớ nồi nước mùi hương nhu, vỏ bưởi lẫn mùi già… thường gội đầu và tắm tất niên mà mẹ nấu cho, nhớ lúc hai mẹ con lúi húi cùng nhau nấu bữa cơm tất niên, nhớ nồi măng của mẹ…Nhớ niềm háo hức đi sắm đồ trang hoàng nhà cửa, niềm hạnh phúc những ngày cuối năm tỉ mỉ gói bánh chưng rồi kiên nhẫn trông nồi bánh chưng, được tự tay vớt chiếc bánh chưng mà mình gói ra. Thế nhưng dù có được “mô phỏng” giống cỡ nào thì vẫn không thể nào thay thế được cái “mùi Tết” quê nhà KHÔNG BAO GIỜ lẫn được".