Du học Mỹ: 5 lý do nên sống trong ký túc xá cho sinh viên năm nhất

Một số trường đại học ở Mỹ bắt buộc sinh viên năm nhất sống trong khu ký túc xá của trường.   

Du học Mỹ: 5 lý do nên sống trong ký túc xá cho sinh viên năm nhất

Thoạt đầu, điều này khiến bạn hơi băn khoăn bởi chi phí thuê một căn hộ ngoài khuôn viên trường cùng một vài người khác tiết kiệm hơn đến 1,5 lần so với việc bạn trong ký túc xá. Tuy nhiên, đối với một tân sinh viên quốc tế, cuộc sống ở ký túc xá sẽ mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích.

1. Ký túc xá tạo điều kiện hoà nhập dễ dàng hơn

Với sinh viên quốc tế hay cả sinh viên Mỹ, có lẽ đây là lần đầu rời xa vòng tay bố mẹ bắt đầu cuộc sống tự lập. Để vượt qua sự lạ lẫm ban đầu, họ hào hứng kết thêm bạn mới. Họ thân thiện hơn, sẵn lòng cất lời chào và tích cực tham gia các hoạt động do trường tổ chức.

Do đó, bạn sẽ có vô vàn cơ hội để tăng cường vốn hiểu biết văn hoá và khả năng tiếng Anh nhờ tiếp xúc với những người bạn khác màu da, văn hoá, và ngôn ngữ. Và một khi bạn có kiến thức về văn hoá, lịch sử, tôn giáo, xã hội, và vốn ngôn ngữ trôi chảy, việc học tập ở trường sẽ dễ hiểu và thú vị hơn nhiều.

Trong khi đó, nếu bạn chọn chia căn hộ ở bên ngoài học xá, vòng tròn tình bạn sẽ chỉ gói gọn trong 2-3 người bạn chung nhà. Những giờ trên lớp hay ngoại khoá hẳn nhiên không tạo điều kiện đủ nhiều bằng việc tiếp xúc và cọ xát mỗi ngày ở khu ký túc xá.

Trường hợp bạn chia phòng với các du học sinh Việt thì cuộc sống du học của bạn rõ ràng sẽ bớt đi những trải nghiệm đa văn hoá cũng như cơ hội phát triển khả năng ngoại ngữ.

2. Ký túc xá có hệ thống cơ sở vật chất tiện nghi, hiện đại

Ký túc xá có hệ thống nhà ăn, phòng máy tính, phòng tập gym, nhà sách và những nhà hàng như Taco Bell hay Panda Express. Một số ký túc xá có cả phòng chiếu phim và bể bơi tiện nghi. Số tiền bạn nộp hằng năm cho bạn cơ hội sử dụng tất cả những tiện ích này.

Hãy hình dung một ngày cuối tuần của bạn trên khu học xá: bạn có thể bắt đầu bằng việc tập gym, la cà nhà sách, sau đó ghé qua một nhà hàng và thưởng thức một bữa trưa ngon miệng. Buổi chiều bạn có thể cùng đám bạn đến sân vận động của trường hò hét cổ vũ cho một trận đấu bóng rổ hay bóng bầu dục.

Ngoài ra, ở trong ký túc xá đồng nghĩa với việc bạn không phải trải qua quá trình mày mò tìm kiếm căn hộ trên internet hay rốt ráo tìm bạn chia phòng, bởi vì trước khi bạn đặt chân đến nước Mỹ, trường đã giúp bạn tìm một bạn cùng phòng hợp cạ hay chuẩn bị phòng ốc sẵn sàng. Bạn chỉ việc gói ghém hành lí dựa theo thông tin về những thứ cần mang theo và không mang theo mà trường gửi cho bạn.

3. Ký túc xá giúp giải quyết vấn đề đi lại

Du học ở Mỹ, bạn hãy quên việc có thể bước ra đường một bước là tới chợ, siêu thị, tiệm tạp hoá hay quán ăn như ở Việt Nam. Siêu thị, quán xá bố trí cách rất xa nhau và theo một khu khác khu dân cư.

Nếu bạn không sống ở những thành phố có phương tiện công cộng phát triển như San Francisco, New York, hay Boston, bạn chắc chắn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, những ngày đầu mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, gần như 100% du học sinh không có xe đạp hay ô tô nên dù bạn có thuê khu căn hộ gần trường thì khả năng phải cuốc bộ 20-30" mỗi ngày là chuyện bình thường.

Việc sở hữu xe ô tô là điều bạn nên nghĩ đến trong tương lai, nhưng với sinh viên năm nhất, thật không dễ để học lái xe. Chưa kể chi phí bảo trì, bảo hiểm xe, hay xăng cũng là một gánh nặng tài chính không hề nhẹ.

Để giải quyết các vấn đề kể trên, nhiều tân sinh viên chọn ở ký túc xá để sống cách trường chỉ vài phút đi bộ. Khi rảnh rỗi, bạn có thể bắt xe buýt thăm thú trung tâm thành phố hay các vùng phụ cận. Đa phần các trường có liên kết với hãng xe buýt địa phương nên bạn có thể đi xe buýt miễn phí hoặc với giá ưu đãi.

4. Ký túc xá giúp bạn ăn uống đủ chất và điều độ

Nhiều ký túc xá không lắp đặt thiết bị bếp trong phòng và buộc sinh viên phải đăng ký các gói ăn. Tuỳ theo nhu cầu của bản thân, bạn có thể chọn gói ăn cho suốt cả tuần hay chỉ vào những ngày trong tuần.

Menu đa dạng với các món chính đầy đủ chất dinh dưỡng được thay đổi hằng ngày, không hề nhàm chán. Bạn có thể thoả thích lựa chọn những món hợp khẩu vị vì các bữa ăn được phục vụ theo kiểu buffet. Ngoài ra, các gói ăn này cũng bao gồm một khoản tiền nhất định cho phép bạn thi thoảng ăn uống tại các nhà hàng hoạt động ngay trong khuôn viên trường.

Rõ ràng bạn vừa không tốn thời gian cho việc nấu nướng vừa có thể tranh thủ trò chuyện tán gẫu cùng bạn bè. Vào mùa thi bận rộn, bạn cũng không phải lăn tăn chuyện ăn uống không điều độ. Trong khi, nếu bạn sống trong khu căn hộ, thực đơn là món mì gói có khả năng cao sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc suốt cả mùa thi.

5. Ký túc xá cho bạn một công việc gần nhà

Luật pháp Mỹ chỉ cho phép du học sinh làm việc tối đa 20 giờ/tuần trong khuôn viên trường. Du học sinh phải có Curricular Practical Training (CPT) hoặc Optional Practical Training (OPT) để có thể làm việc ngoài trường.

Tuy nhiên, sinh viên quốc tế năm nhất khó có thể được cấp những giấy phép làm việc này bởi CPT đòi hỏi bạn tối thiểu phải hoàn thành chương trình học năm nhất hay OPT dành cho sinh viên muốn tìm việc và làm việc ở Mỹ trong khoảng một năm sau khi ra trường.

Do đó, đối với những sinh viên năm nhất mới đặt chân đến Mỹ chưa có phương tiện đi lại, sống trong ký túc xá là một giải pháp tối ưu. Bạn có thể tiết kiệm chi phí xăng xe, thời gian di chuyển, cũng như đảm bảo sự an toàn cho bản thân (trong trường hợp bạn làm ca đêm ở thư viện và chỉ tan việc lúc 2 giờ sáng chẳng hạn).

Dù nhịp sống xung quanh bạn lúc nào cũng đầy ắp sự hồn nhiên sôi nổi của đám sinh viên xa nhà, hẳn nhiên bạn sẽ không tránh khỏi những cơn nhớ nhà hay sự tự ti, hoài nghi về bản thân. Việc sống trong ký túc xá cùng bản lĩnh hòa nhập của bản thân chắc chắn sẽ phác thêm nhiều mảng mosaic sinh động vào “bức tranh khảm” của đời sống du học Mỹ.

Theo hotcourses.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.