Thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng: Không chủ động được nguồn cung?

GD&TĐ - Nhiều năm qua, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng vẫn diễn ra vào thời điểm khô hạn, nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Thế nhưng, thiếu nước ngay giữa mùa mưa như những ngày vừa qua là chưa có tiền lệ. Ngoài tăng dân số cơ học, phát triển du lịch… nguyên nhân thiếu nước còn được cho là do sự phát triển rầm rộ của thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.  

Người dân phải sử dụng nước đóng chai để nấu ăn
Người dân phải sử dụng nước đóng chai để nấu ăn

Thiếu nước thì xin...… thủy điện

Thông tin do Sở Xây dựng TP Đà Nẵng phát đi vào tối 7/11 giải thích nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài nhiều ngày là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã gửi văn bản đến Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Mi4 và Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương, đề nghị các thủy điện có phương án xả nước hợp lý về sông Yên để nguồn nước thô tại Cầu Đỏ không bị nhiễm mặn; mực nước tại An Trạch ở mức trên 1,5m để các máy bơm hoạt động được. Trên cơ sở đó, Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã xả liên tục 12,6m3/s về lưu vực sông Vu Gia kể từ ngày 31/10/2018.

Nguy cơ không bảo đảm an ninh nguồn nước ở Đà Nẵng đã được báo trước khi thủy điện Đăk Mi 4 được cấp phép chặn dòng để phát điện nhưng không trả nước lại sông Đăk Mi về lưu vực sông Vu Gia mà dẫn nước sang sông Thu Bồn để tiếp tục phát điện cho 3 thủy điện bậc thang khác. Việc thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Vu Gia đã làm khô kiệt vùng hạ lưu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hơn 1,7 triệu dân và hàng chục nghìn hecta đất sản xuất nông nghiệp.

Bắt đầu từ cuối năm 2009, đầu năm 2010, chính quyền Đà Nẵng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Tài Nguyên và Môi trường về quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2. Tháng 4/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải làm “trọng tài” do Đà Nẵng không chấp nhận lưu lượng 8m3/s trả nước về dòng cũ do Bộ Công Thương đưa ra. Sau đó, chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 đã phải xây dựng cống, trả nước về dòng cũ với lưu lượng 25m3/s.

Thời điểm đó, kỹ sư Huỳnh Vạn Thắng, khi đó đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đã nhận định: “Với quy trình xả nước như vậy, trung bình hàng năm, Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 cũng chỉ trả lại sông Vu Gia 452,8 triệu m3 nước, chiếm 38% so với tổng lượng nước mà nhà máy này lấy đi trong mùa cạn của sông Vu Gia. Điều này đặt hạ lưu sông Vu Gia luôn ở trong tình trạng cạn kiệt nguồn nước”.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, cứ mỗi lần nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, thì Đà Nẵng lại phải có công văn đề nghị các thủy điện của Quảng Nam “viện trợ” xả nước để đẩy lùi độ mặn. Và khi các hồ thủy điện ở dưới mực nước chết như những ngày qua thì tình trạng nhiễm mặn ở Đà Nẵng là khó khắc phục chỉ với trạm bơm ngăn mặn An Trạch khi nguồn nước thô chính của Đà Nẵng có đến 98% lấy từ Cầu Đỏ, nơi chỉ cách cửa biển 13km.

Nhà máy nước Hòa Liên là “cứu cánh”?

Ngày 9/11, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có Công văn 2637 gửi Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân TP, Ban cán sự Đảng UBND TP về việc giải quyết tình trạng thiếu nước sạch tại một số khu vực trên địa bàn thành phố, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và gây bức xúc cho người dân.

Theo đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, báo cáo cụ thể tình hình thiếu nước sạch trên địa bàn những ngày gần đây.

Trên cơ sở đó, kịp thời triển khai các giải pháp khắc phục, bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp. Xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch và chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm (nếu có), đảm bảo theo quy định. Đồng thời báo cáo tình hình hoạt động của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) về vốn, nhân sự chủ chốt, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ sau cổ phần hóa đến nay.

Ngoài ra, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị Ban cán sự Đảng UBND TP báo cáo tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên và các nhà máy nước khác trên địa bàn thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại điểm 1.3, mục 1, Thông báo số 388-TB/TU ngày 13/6.

Còn theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, để bảo đảm cấp nước an toàn, giải pháp đến tháng 3/2019 là tập trung hoàn thành dự án Nâng cấp công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 1 - 60.000m3/ngđ) và Dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10.000m3/ngđ). Đầu tư các tuyến cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu.

Về giải pháp đảm bảo nhu cầu sử dụng nước sau năm 2020, xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ để kịp thời bổ sung nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay sau khi nâng cấp. Tiếp tục nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ giai đoạn 2 công suất 60.000m3/ngđ; đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1.

Dự kiến, quy mô của Nhà máy nước Hòa Liên có công suất 120.000m3/ngày ở giai đoạn 1 và 240.000m3/ngày ở giai đoạn 2. Nhà máy nước Hòa Liên sẽ khai thác nguồn nước từ sông Cu Đê, chủ động được khoảng 50% trữ lượng nguồn nước thô cho Đà Nẵng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.