Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Sông Cu Đê là chốt an toàn nguồn nước của cả thành phổ

GD&TĐ - Ngày 24/11, ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành TƯ Đảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco). Tại buổi làm việc, ông Nghĩa cho rằng, với “sự cố” thiếu nước sinh hoạt kéo dài trong những ngày đầu tháng 11/2018, nếu chính quyền TP không kịp thời can thiệp thì người dân sẽ trở thành “con tin” của Dawaco.  

Bí thư Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác kiểm tra thực tế tại trạm bơm An Trạch.
Bí thư Trương Quang Nghĩa và đoàn công tác kiểm tra thực tế tại trạm bơm An Trạch.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, cần có cơ chế truất quyền điều hành Tổng giám đốc cùng Chủ tịch HĐQT của Dawaco để thay thế người có năng lực hơn, đồng thời phải thay đổi mô hình quản lý của Dawaco

Để dân thiếu nước là có tội

Ông Nguyễn Trường Ảnh - Chủ tịch HĐQT Dawaco thừa nhận do không lường trước được tình huống bị nhiễm mặn ở sông Cầu Đỏ ngay trong mùa mưa, nên trong sự cố thiếu nước sinh hoạt trong những ngày đầu tháng 11/2018, đơn vị đã lúng túng trong điều hành.

Ngoài ra, Dawaco chưa kịp thời ứng phó với sự cố bơm, cho dù sự cố xảy ra trong đợt mặn, dẫn đến không có máy bơm dự phòng từ ngày 3-9/11/2018.

Việc thông tin đến khách hàng còn chậm trễ, chưa thông tin kịp thời bằng tin nhắn cho từng khách hàng nên không nhận được sự cảm thông của khách hàng, gây dư luận và suy diễn không đáng có.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khẳng định, sự cố thiếu nước vừa qua ở Đà Nẵng là do nguyên nhân chủ quan, do điều hành.

Mỗi năm, TP Đà Nẵng dự phòng 12 tỉ đồng để cấp nước thô về Cầu Đỏ, nhưng vừa qua trạm bơm An Trạch bị trục trặc dẫn đến thiếu nước.

Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, để dân thiếu nước là lãnh đạo công ty cấp nước có tội và trong chừng mực nào đó thì cần phải đưa ra tòa chứ không đơn giản bởi nó gắn với chuyện an ninh nguồn nước, trật tự chính trị, xã hội.

Việc vận hành Trạm bơm An Trạch không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài ở Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua.

Việc vận hành Trạm bơm An Trạch không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài ở Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua.

Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, cần phải có cơ chế truất quyền điều hành Tổng giám đốc cùng Chủ tịch HĐQT của Dawco để thay thế người có năng lực hơn đồng thời phải thay đổi mô hình quản lý của Dawaco, nên tập trung một đầu mối quản lý là Sở Xây dựng, không có chuyện cả Sở Nội vụ cũng quản lý con người của Dawaco như hiện nay.

Cần phải đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Liên

Cũng tại buổi làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng đã báo cáo phương án đầu tư công với Nhà máy nước Hòa Liên, công suất 120.000m3/ ngày đêm, kinh phí dự kiến là 1.243 tỉ đồng dựa vào khả năng cân đối nguồn lực 2019 của thành phố.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư, sẽ giao cho một BQL dự án đứng ra tổ chức đấu thầu. Thời gian dự kiến xây dựng dự án là 25 tháng. TP Đà Nẵng cũng sẽ đấu thầu chọn đơn vị vận hành, và “việc này phải làm song song với quá trình xây dựng để kịp thời vận hành ngay sau khi xây dựng xong” – vị này cho biết.

Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, về lâu dài, Đà Nẵng phải xác định sông Cu Đê là chốt an toàn nguồn nước của thành phố và không phụ thuộc vào Quảng Nam. Chính vì vậy, cần tránh đầu tư các nhà máy, công trình ô nhiễm dọc con sông này. Riêng mỏ vàng Khe Đương mà TP Đà Nẵng đã cho phép khai thác thì HĐND TP sẽ có nghị quyết dừng khai thác vào kỳ họp cuối năm nay để giữ cho nguồn nước được trong sạch.

Ông Trương Quang Nghĩa đề nghị UBND TP xúc tiến nhanh để thông qua chủ trương đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên vào kỳ họp HĐND cuối 2018 đồng thời chọn hình thức đầu tư hợp lý nhất và nhanh nhất trên cơ sở quy định của pháp luật và chuyển giao dự án cho mô hình quản lý khác.

Ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định đến cuối năm 2020, nhà máy nước Hòa Liên sẽ đi vào hoạt động, nếu không TP sẽ thiếu nước. Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP cũng khẳng định HĐND TP đã ra Nghị quyết đến 2020 phải hoàn thành NMN Hòa Liên; sau khi xây dựng xong, sẽ thành lập công ty cổ phần điều hành NMN Hòa Liên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ