Đà Nẵng: Nước sinh hoạt nhiều hộ bị nhiễm cặn bẩn

GD&TĐ - Những ngày qua, nhiều gia đình ở Đà Nẵng đã dùng khăn trắng, bông gòn bịt đầu vòi nước sau 2 - 3 ngày thì có một lớp cặn bẩn đóng lại, nhiều nơi có lớp cặn đen dày như hắc ín. Chất lượng nước sinh hoạt bị cặn bẩn chủ yếu tập trung ở một số khu vực của quận Cẩm Lệ, Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn.

Nước bị đóng cặn sau vài ngày thử bịt đầu vòi
Nước bị đóng cặn sau vài ngày thử bịt đầu vòi

Nước đóng cặn, đục ngầu

Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) vừa mới tiến hành cọ bể nước dùng để nấu ăn của nhà trường. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ phản ánh của đại diện phụ huynh trong Ban Giám sát chất lượng bán trú về chất lượng nước bị nhiễm bẩn, nhà trường đã cho tổ cấp dưỡng vệ sinh toàn bộ bình nước ở các lớp, đường ống đấu nối nước dùng để uống cho HS và GV đã qua sục bóng đèn cũng được xịt nước với áp lực mạnh để làm sạch. Chỉ riêng bể nước chìm là trường không làm vệ sinh được. Qua kiểm tra thì thấy nước sinh hoạt đã bắt đầu trong hơn. Nhà trường không có máy lọc nước dành cho bán trú nên Ban giám hiệu đã lưu ý tổ cấp dưỡng lắng nước qua đêm để dùng”.

Ông Phạm Đình Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Khê cho biết, tuy chưa có trường mầm non, tiểu học nào phản ánh về chất lượng nước dùng cho ăn uống bị nhiễm bẩn nhưng Phòng GD&ĐT cũng lưu ý các trường kiểm tra, theo dõi chất lượng nước để có phương án lắng, lọc kịp thời.

Trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng ghi nhận nhiều phản ánh về chất lượng nước sinh hoạt ở nhiều khu vực những ngày qua bị đục, nhiễm bẩn, đóng cặn và bị lợ. Anh Mai Anh Vũ phản ánh: “Do nhà dùng nước trực tiếp từ vòi, không qua bể lắng nên khi thấy trên diễn đàn Quản lý đô thị Đà Nẵng có phản ánh nước bị nhiễm bẩn thì về làm thử. Thay vì buộc khăn lọc 2 tuần, mình mới làm chỉ có 4 ngày thì khăn đã có một lớp cặn bẩn rồi”. Chị Nguyễn Kim Dung thì chia sẻ rằng, “mình không cần bịt cũng biết nước bị đục vì nhà có dùng hệ thống lọc nước, nhìn vào ống lọc là thấy nước có màu cà phê luôn”.

Trước những phản ánh của khách hàng, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã liên hệ với khách hàng để tiến hành lấy mẫu nước đưa đi kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm của Xí nghiệp Sản xuất nước sạch Dawaco và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (Sở Y tế TP Đà Nẵng). Kết quả cho thấy, các mẫu nước xét nghiệm đều có các chỉ tiêu đạt yêu cầu vệ sinh về hóa lý nước dùng cho ăn uống theo QCVN 01: 2009/BYT do Bộ Y tế ban hành.

Nguyên nhân của hiện tượng khách hàng dùng khăn ướt, bông gòn bịt đầu vòi sử dụng trong một thời gian thì có cặn màu đen được giữ lại, ông Hồ Minh Nam - Phó Tổng Giám đốc Dawaco lý giải: “Bước đầu bộ phận chuyên môn của Dawaco nhận định nguyên nhân có thể do bị đục cục bộ tại một số tuyến ống có chất lượng kém (ống thép, ống gang… được sử dụng lâu năm)”. Ông Nam cũng cho biết, đối với nước sau khi xử lý tại các nhà máy vẫn còn một hàm lượng cặn lơ lửng trong giới hạn cho phép với độ đục bé hơn hoặc bằng 2 NTU. Lượng cặn này khi được lọc lại qua bông gòn hoặc vải mịn sau một khoảng thời gian nhất định với lượng nước qua khá lớn thì cặn sẽ được giữ lại.

Nước máy dùng trực tiếp không qua bể lắng tại một số gia đình bị đục vàng
Nước máy dùng trực tiếp không qua bể lắng tại một số gia đình bị đục vàng 

Cải thiện chất lượng nước

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng ngày 18/2 cũng cho biết, đã yêu cầu Dawaco chủ động tăng cường kiểm tra chất lượng nước trên mạng lưới, tăng cường công tác súc xả mạng lưới đường ống; kiểm tra hiện trạng mạng lưới đường ống hiện tại và triển khai cải tạo, thay thế các tuyến ống xuống cấp, kém chất lượng.

Ngoài ra, trong năm 2019, sẽ đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu, đầu tư các trạm bơm tăng áp theo quy hoạch được duyệt. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giai đoạn 1 - 60.000m3/ngđ) và dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (10.000m3/ngđ), dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2019; đầu tư nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch và tuyến ống nước tho dẫn về Nhà máy nước Cầu Đỏ. Trước mắt, sẽ triển khai tuyến ống Diuke qua sông Cầu Đỏ, hoàn thành trong tháng 5/2019.

Thành phố cũng sẽ triển khai xây dựng đập tạm tại Quảng Huế để tăng lưu lượng nước thô dẫn về sông Yên; đồng thời, sẽ làm việc và đề nghị các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn xả nước về sông Yên với lưu lượng phù hợp, đảm bảo khống chế độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ dưới 900mg/l.

Về lâu dài, theo thông tin từ Sở Xây dựng, Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng dự án Nâng công suất Nhà máy nước cầu Đỏ thêm 60.000m3/ngđ (giai đoạn 2) và đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 (công suất 120.000m3/ngđ) dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 và tiếp tục nghiên cứu giai đoạn 2 (thêm 120.000m3/ngđ) theo quy hoạch cấp nước đã được phê duyệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ