Dự án lấn cửa sông Hàn, Đà Nẵng: Tranh luận “nảy lửa”

GD&TĐ - Ngày 7/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo phản biện liên quan đến các dự án bất động sản, bến du thuyền trên sông Hàn với sự tham gia của các nhà khoa học, giới chuyên môn để tham vấn về những tác động môi trường, mỹ quan, mật độ các dự án tại khu vực cửa sông… Trước đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án Bất động sản và Bến du thuyền tạm dừng triển khai để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý.

Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng nên dừng triển khai dự án Marina Complex và biến khu vực này thành công viên công cộng
Ông Bùi Văn Tiếng cho rằng nên dừng triển khai dự án Marina Complex và biến khu vực này thành công viên công cộng

Dòng chảy sẽ bị ảnh hưởng?

TS Lê Hùng - giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, nhóm của ông có hơn 10 năm nghiên cứu về ảnh hưởng ngập lụt đối với sự thay đổi địa hình TP Đà Nẵng. “TP Đà Nẵng chịu ảnh hưởng lũ từ thượng nguồn. Năm 2018, TP bị ngập cục bộ chứ không chịu ảnh hưởng bởi lũ trên sông. Lũ còn bị tác động bởi hệ thống các công trình giao thông như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam, đường Hòa Phước - Hòa Khương, các khu đô thị khu vực Hòa Xuân… đã góp phần thay đổi chế độ phân lũ của Đà Nẵng”, TS Hùng nhận định.

Theo TS Lê Hùng, “kết quả thiết lập mô hình thủy lực chạy cho một trận lũ năm 2009 cho thấy mức độ ngập lụt từ khu vực kè ra Thuận Phước giảm, tuy nhiên phía thượng nguồn gia tăng từ 0 - 0,05m”. Từ đây, TS Hùng nhận định không có sự thay đổi đột biến về lưu lượng dòng chảy trước và sau khi có kè của dự án Bất động sản và Bến du thuyền (Dự án Marina Complex), mức độ ảnh hưởng của công trình đến khu vực xung quanh là không lớn.

Tương tự, TS Lê Song Giang, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM qua nghiên cứu, việc san lấp tại khu vực dự án không làm gia tăng ngập lũ của Đà Nẵng mà ngược lại đã giúp nắn lại dòng chảy giúp thoát lũ tốt hơn. Việc san lấp tại khu vực dự án chỉ gây một tác động bất lợi nhỏ là trong trường hợp có lũ lớn sẽ làm gia tăng vận tốc tại đầu đê khoảng 13 - 14cm/s. TS Giang cho rằng, gỡ bỏ đoạn đê còn lại tại chân hải đăng sẽ giúp nước chảy thẳng vào luồng bên phải đê và làm giảm vận tốc tại đầu đê. Việc gỡ bỏ này cũng làm cho phân bố vận tốc ở hai bên đê cân bằng hơn.

Tuy nhiên, KTS Hồ Duy Diệm - nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cho rằng, kè của người Pháp xây ngay nơi thực hiện dự án

Marina Complex là kè mềm bằng đá hộc để chỉnh trị dòng chảy nhằm đẩy bùn đất ra xa. Chính vì thế, Cảng Tiên Sa có lợi thế hơn các cảng khác trong toàn quốc là không phải nạo vét. “Tôi không hiểu các nhà khoa học tính toán như thế nào mà nói không ảnh hưởng và ảnh hưởng ít là bao nhiêu? Nếu một ngày biến đổi khí hậu xảy ra, tất cả các hiện tượng thời tiết xấu đổ ập cùng một lúc, có cả mưa, lũ, bão thì TP Đà Nẵng sẽ như thế nào?”. Ông Diệm đề nghị cơ quan chức năng thống kê toàn bộ diện tích mà TP Đà Nẵng đã lấn sông Hàn trong mấy chục năm qua, công khai cho dư luận được biết.

TS Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng phân tích, nguyên nhân dự án Marina Complex bị dư luận phản ứng mạnh là do khu vực trên tiếp tục làm thu hẹp lòng sông thêm 60 - 100m và hình dáng tam giác của bờ kè gây ức chế về thị giác tạo cảnh quan dòng sông xấu đi. Việc Sở Xây dựng khẳng định dự án này không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ là chưa thỏa đáng.

Dự án Marina Complex lấn cửa sông Hàn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và cả các nhà phản biện xã hội
  • Dự án Marina Complex lấn cửa sông Hàn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và cả các nhà phản biện xã hội

Đừng giải quyết theo kiểu bên “triệt”, bên “để”

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng thì cho rằng, việc lấn sông và lấn ở cửa sông như dự án

Marina Complex là không ổn. “Ở đây, chủ đầu tư lấy cớ là người Pháp đã xây kè, tuy nhiên kè này mục đích là để trị thủy chứ không phải là lấp đất để tăng quỹ đất”. Trên cơ sở đó, ông Tiếng đề nghị không triển khai dự án Marina Complex và các dự án tương tự như trên ở sông Hàn.

Ông Tiếng cũng đặt ra vấn đề: “Quyết định cho tiếp tục triển khai dự án thì dễ hơn so với quyết định không cho triển khai. Nếu lãnh đạo thành phố quyết định không cho triển khai dự án nữa thì quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư sẽ được tính toán ra sao, nhất là đối với những thiệt hại mà hoàn toàn không do lỗi của họ? Đó là chưa kể ai phải chịu chi phí xử lý hậu quả xây kè lấn sông để trả lại nguyên trạng bờ sông và dòng chảy? Đó là chưa kể hệ lụy dây chuyền trong quá trình rà soát tất cả dự án đang và sắp kè bờ lấn sông trên toàn tuyến sông Hàn - không khéo sẽ rơi vào tình trạng giải quyết rất triệt để nhưng mà chỗ “triệt”, chỗ “để”.

Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, cái sai đã quá rõ ràng nhưng vấn đề ở đây là giải quyết “chuyện đã rồi” như thế nào và phải xuất phát từ cộng đồng. Ông Tiếng đề xuất sẽ không làm công trình xây dựng ở khu vực này nữa mà chuyển đổi công năng thành công viên sẽ bảo đảm tầm nhìn, mỹ quan nhưng “phương án này vẫn chưa giải quyết được vấn đề dòng chảy. Còn việc xây nhà cao tầng ở khu vực này thì khó mà chấp nhận được”.

Về vấn đề này, TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ nhận xét “có vẻ như các dự án được xây dựng theo một quy trình mà tính công khai thấp”. Ông Thiên cũng cho rằng, mọi tranh luận, phản biện phải dựa trên các luận cứ khoa học, nhưng lưu ý “bản thân khoa học cũng có thể bị lợi dụng”. Ngoài ra, ông Thiên thắc mắc vì gần như các ý kiến tại hội nghị chỉ tập trung vào dự án Marina Complex mà không hề đề cập đến dự án bất động sản Olalani Riverside Tower, vì dự án thì mật độ xây dựng cũng như sự tác động sẽ khác so với một dự án. Ông Trần Đình Thiên cũng khuyến nghị chính quyền Đà Nẵng cần cân nhắc trong việc tiếp tục hay dừng triển khai dự án Marina Complex sẽ ít nhiều tác động đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng.

“Chúng ta nói phải chú trọng phát triển bền vững và bảo đảm quyền lợi người dân. Nhưng nếu môi trường đầu tư không bảo đảm, Đà Nẵng khó thu hút nhà đầu tư thì quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Không nên nghĩ lợi ích của nhà đầu tư đối lập với lợi ích của người dân và phải coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích phát triển”, TS Thiên phân tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.