Lo ngại thu hẹp cửa sông
Dự án Marina Complex (Dự án bất động sản và bến du thuyền) được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt từ năm 2009 do Tập đoàn Vina Capital làm chủ đầu tư. Đến năm 2011, Vina Capital đã chuyển giao dự án cho Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng tiếp tục thực hiện. Dự án này gồm 128 căn nhà phố liền kề kinh doanh, 78 căn biệt thự mặt tiền sông Hàn với diện tích từ 240m2 trong khuôn viên rộng 117.311m2. Ngoài ra còn có 2 tòa tháp căn hộ, khách sạn và bến du thuyền với hơn 1ha mặt sông và diện tích mặt nước rộng lớn… Dự án đã xây dựng xong bờ kè kiên cố và đang ở giai đoạn đổ đất đá san lấp.
Dự án Marina Complex đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch. “Theo phê duyệt điều chỉnh năm 2016, dự án chỉ còn lại 2 bolck và 52 lô biệt thự. Chủ đầu tư mới còn xin bỏ cầu tàu mặt nước; thu hẹp vùng mặt nước ra mép đê, kè cũ. Đến năm 2017, dự án điều chỉnh diện tích đất xây dựng công trình giảm còn 4,8ha, đất mặt nước còn 1ha” - ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thông tin.
Ông Hồ Duy Diệm - Kiến trúc sư, nguyên Trưởng ban quy hoạch TP Đà Nẵng, hiện là Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam cho rằng, việc lấp sông, lấn sông, lấn biển đã được các nhà khoa học cũng như thực tế minh chứng là để lại nhiều hậu quả.
“Vào mùa mưa khi nước từ thượng nguồn đổ xuống, nước thủy triều từ biển dâng lên sẽ khiến lưu lượng nước tăng lên nhiều lần, vận tốc nước chảy cũng mạnh lên nhiều lần, khi đó mặt cắt ngang dòng chảy phải tăng cao lên. Nhưng nếu đắp bờ lấn sông thì mặt cắt nhỏ đi, lúc này sẽ xảy ra hiện tượng bờ sông đối diện sẽ bị đào phá để đủ mặt cắt ướt. Hoặc nước sẽ dâng cao tràn ngược cống và gây ngập phía thành phố. Anh thi công chỗ này khiến nước không phá được, nó sẽ phải phá chỗ khác để lập lại cân bằng của tự nhiên, yếu chỗ nào nó phá chỗ đó”, ông Diệm phân tích.
Trong khi đó, ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó GĐ Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, chuyên gia thủy lợi - khẳng định rằng dòng chảy sông Hàn hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Theo ông Thắng trước đây, sông Hàn có một loạt cảng, từ cảng Đà Nẵng đến cảng của Công ty Sông Thu và đều nằm ở bờ Tây. “Dòng chảy sông Hàn lúc này chảy qua các cảng trên, còn phía bờ Đông không chảy hoặc chảy rất ít. Đến đoạn cuối sông, dòng chảy mới bắt đầu bật qua hướng bờ Đông. Hệ thống kè phía bờ Đông giữ vai trò để giúp đưa dòng nước đang chảy bật trở lại luồng hàng hải, đảm bảo không bị bồi lấp và tàu thuyền đi vào cảng dễ dàng”.
Sở Xây dựng nói gì?
Để trả lời những băn khoăn của người dân về việc “Dự án ngay vị trí cửa sông như vậy có gây ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn, nhất là mùa lũ lụt hay không”, từ năm 2016, UBND TP Đà Nẵng cũng đã mở Chuyên mục góp ý trên Hệ thống chính quyền điện tử Thành phố.
Sở Xây dựng sau đó cũng đã có văn bản thông tin về những vấn đề liên quan. Theo đó, để hướng dòng chảy sông Hàn nhằm không gây sạt lở khu vực hạ lưu sông, ngay từ thời Pháp thuộc tại khu vực hiện nay là Dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng về phía Mân Quang đã xây dựng kè đá. Hàng năm, thành phố chỉ đạo các đơn vị gia cố tuyến kè đá này.
Với mục đích bảo đảm an toàn cho khoảng 500 nghìn người dân tại khu vực đô thị Mân Quang, khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông, bảo vệ các công trình kiến trúc, lịch sử và cơ sở hạ tầng (đường Trần Hưng Đạo và đường Lê Văn Duyệt chạy dọc sông, mố cầu Thuận Phước, các nhà máy chế biến thủy hải sản), Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị khảo sát điều kiện địa hình, địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn vào các mùa và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan (có ý kiến thống nhất của Bộ NN&PTNT) để quy hoạch tuyến đê, kè Mân Quang đoạn nối tiếp đê, kè Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà.
Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng khẳng định: Phần ranh giới dự án được tính từ mép công trình đê, kè sông Hàn trở vào trong, không ảnh hưởng đến bờ kè đá đã được xây dựng và gia cố hàng năm. Do đó, có thể khẳng định rằng dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là trong mùa lũ lụt.