Dự án hồ chứa nước hơn 500 tỷ đồng ở KonTum chậm tiến độ: Vì lý do… khách quan?

GD&TĐ -Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei (huyện Kon Rẫy) dự kiến sẽ phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu cho người dân vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số yếu tố khách quan nên đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành.

Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei vẫn đang được xây dựng.
Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei vẫn đang được xây dựng.

Người dân mong chờ hưởng lợi từ dự án

Theo tìm hiểu, Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt vào năm 2018 với tổng vốn thực hiện là hơn 553 tỷ đồng. Dự án được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án với mục tiêu đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Đăk Bla (TP Kon Tum) và xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) nằm trong vùng hưởng lợi.

Bên cạnh đó, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 35.000 nhân khẩu. Qua đó, ứng phó biến đổi khí hậu, điều tiết giảm lũ nhẹ cho hạ du, chủ động nguồn nước để chống cháy và bảo vệ rừng thuộc phạm vi lân cận vùng dự án.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2018 - 2020) tập trung đầu tư các hạng mục để đáp ứng được việc cung cấp nước tưới cho 1.600 ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp và nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu tại khu vực xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re.

Tổng mức đầu tư giai đoạn này là hơn 434 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là hơn 321 tỷ đồng. Bên cạnh đó là hơn 113 tỷ đồng tiền ngân sách địa phương.

Còn giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là hơn 118 tỷ đồng được dự kiến triển khai từ sau năm 2020 khi đã cân đối được nguồn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công trình. Giai đoạn sau 2020 tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại để đáp ứng việc cung cấp nước tưới thêm cho 400 ha lúa nước, hoa màu… và nước sinh hoạt cho 20.000 nhân khẩu tại khu vực xã Đăk Bla.

Tuy nhiên, sau nhiều năm trông chờ, đến nay, người dân vẫn chưa được hưởng lợi từ dự án.

Chị Y Cleoh (SN 1980, thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) cho hay, người dân nơi đây đã nghe về Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei đã lâu. Do đó, bà con luôn ngóng chờ công trình sớm hoàn thành để bà con có nước sạch sử dụng và tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm chờ đợi, đến nay dự án vẫn chưa mang nước sạch về cho người dân.

“Mình ở đây nhiều năm rồi, nhưng mỗi đợt khô hạn lại thiếu nước tưới và sử dụng hàng ngày. Để có nước sử dụng gia đình mình phải đào giếng. Tuy nhiên, nước nhiễm phèn nên chỉ tắm, giặt giũ được chứ không thể ăn uống. Những ngày mưa, gia đình chuẩn bị thùng, xô chậu để hứng nước rồi sử dụng dần”, chị Y Cleoh nói.

Tương tự, chị Y Loan (SN 1992) cho biết, gia đình chị đang sử dụng nước từ dự án nước sạch của huyện Kon Rẫy. Tuy nhiên, có những ngày mưa nước bị đục, vàng nên không thể ăn uống được. Để có nước, gia đình chị phải xin của hàng xóm để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

“Tôi có 3 người con, con lớn học lớp 6, còn nhỏ mới được 2 tuổi. Việc thiếu nước ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình. Có những hôm tôi phải mang can chạy xuống nhà ngoại cách hơn 1km để chở nước về sử dụng. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công. Từ đó bà con sớm có nước để sử dụng và tưới cho cây trồng nhằm phát triển kinh tế”, chị Y Loan bộc bạch.

Chậm triển khai do nghi ngờ có chất phóng xạ

Trong thời gian chờ dự án hoàn thành, gia đình chị Y Cleoh đào giếng để lấy nước sử dụng.

Trong thời gian chờ dự án hoàn thành, gia đình chị Y Cleoh đào giếng để lấy nước sử dụng.

Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy), cho biết, những năm trước do khô hạn kéo dài nên nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, bà con cũng sử dụng nước từ công trình thủy lợi nhỏ để tưới cho cây trồng.

“Bà con nơi đây ngày, đêm trông ngóng dự án nhanh chóng hoàn thành để sớm có nước sinh hoạt, tưới tiêu. Do đó, địa phương mong muốn đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm được hưởng lợi từ dự án. Từ đó, bà con sẽ mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng để đầu tư phát triển kinh tế”, ông Hải nói.

Còn ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết, Dự án hồ chứa nước Đăk Pokei được phê duyệt đầu tư từ năm 2018.

Tuy nhiên, thời điểm đó trên đầu nguồn suối Đăk PôNe có 1 mỏ khoáng sản, nghi ngờ có chất phóng xạ nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu tạm dừng khởi công để khảo sát.

Đến tháng 11/2019, kết quả khảo sát cho thấy, lượng chất phóng xạ Uranium nằm trong ngưỡng cho phép, có thể sử dụng nước để sản xuất, sinh hoạt. Do đó đến cuối năm 2019 UBND tỉnh Kon Tum mới phê duyệt thiết kế, kỹ thuật.

“Đầu năm 2020, chúng tôi mới mời thầu xây lắp, đến tháng 6/2020 mới ký hợp đồng với nhà thầu. Tuy nhiên, vào thời điểm này là cao điểm mùa mưa nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, đến cuối năm 2020 dự án mới được triển khai thực hiện. Không những vậy, tất cả vật tư thiết bị đều phải mua ở các tỉnh khác, nhưng thời điểm này dịch Covid-19 đang bùng phát nên việc thi công bị đình trệ”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, đơn vị đã có kiến nghị xin điều chỉnh chủ trương dự án và đang đợi các cấp chính quyền xem xét. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ kéo dài từ 2018 - 2025, còn giai đoạn 2 sẽ là một dự án khác từ năm 2026 trở đi.

Cũng theo ông Tuấn, nếu được điều chỉnh đơn vị sẽ phấn đấu vào cuối năm 2022 đập sẽ bắt đầu phục vụ cho bà con. Khi đó công trình sẽ đảm bảo cấp nước tưới cho 1.000 đến 1.600 ha đất sản xuất nông nghiệp và phục vụ nước sinh hoạt cho 15.000 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.