Công bố nguyên nhân liên tiếp xảy ra động đất tại Kon Tum

GD&TĐ - Qua kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của các trận động đất tại tỉnh Kon Tum kết quả ban đầu cho thấy, động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.

Xã Đăk Tăng, một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
Xã Đăk Tăng, một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.

Ngày 11/5, Viện Vật lý địa cầu đã có báo cáo ban đầu về kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá ảnh hưởng của các trận động đất tại tỉnh Kon Tum.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng các Bộ, ban ngành liên quan, Đoàn kỹ thuật do Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành lập, đã tổ chức đi khảo sát thực địa, đánh giá hoạt động động đất tại khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và vùng lân cận.

Kết quả cho thấy, các trận động đất xảy ra từ tháng 3/2021 đến 4/2022 có độ lớn M = 1,6 – 4,5 tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum và lân cận gây chấn động lớn nhất là cấp V theo thang MSK-64. Theo đó, với cường độ chấn động như vậy là chưa đến mức độ nghiêm trọng.

Nhận định bước đầu động đất khu vực huyện Kon Plông là động đất kích thích gây ra do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động và cường độ của động đất trong tương lai cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết.

Theo Viện Vật lý địa cầu các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thuỷ điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thuỷ điện trên địa bàn.

Viện Vật lý địa cầu cũng kiến nghị, làm việc với các bên liên quan thiết lập nhanh trạm quan sát động đất địa phương. Dự kiến gồm 8 trạm, trong đó có 3 trạm đã triển khai từ tháng 5/2021 tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.

Bên cạnh đó, trên cơ sở khảo sát thực địa, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc xử lý động đất tại khu vực huyện Kon Plông đang đề xuất trong thời gian sớm nhất với Bộ KHCN xây dựng nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra”.

Đồng thời, tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. 

Trước đó, tại huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra các trận động đất. Trong đó, có một trận xảy ra vào ngày 18/4, có độ lớn 4.5 độ richter gây rung lắc nhẹ đến những khu vực lân cận khiến người dân lo lắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...