Quên trách nhiệm?
Dự án đầu tư Hồ chứa nước Bản Mòng (Dự án Hồ Bản Mòng) xã Hua La, TP Sơn La được Bộ NN&PTNT đầu tư theo Quyết định 1387/QĐ-BNN-XD ngày 14/5/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 395 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 phần. Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 1 phụ trách đầu tư xây dựng. UBND TP Sơn La làm chủ đầu tư về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), di dân, tái định cư (TĐC).
Thời gian khởi công là năm 2011 và sẽ hoàn thành sau 2 năm thi công. Mục tiêu của dự án là phòng chống lũ quét, cắt giảm lũ cho TP Sơn La, tạo nguồn cấp nước công nghiệp và sinh hoạt với lưu lượng khoảng 27.500 m³/ngày đêm; cấp nước tưới tự chảy cho 263 ha đất nông nghiệp ven suối Nậm La; tạo nguồn tưới ẩm cho 947 ha đất nông nghiệp và kết hợp phát triển du lịch, cải thiện môi trường sinh thái.
Mục tiêu tốt đẹp là thế, song cũng chỉ được “tô vẽ” trên giấy. Sở dĩ nói vậy bởi thực tế thì năm 2010 TP Sơn La rục rịch làm mặt bằng để phục vụ cho công tác di dân TĐC. Năm 2011, công trình bắt đầu thi công. 3 năm sau, Bộ NN&PTNT lại “bơm” thêm vốn. Thay vì tổng mức đầu tư 395 tỷ đồng như dự toán ban đầu, năm 2014, điều chỉnh tăng tổng mức lên 728 tỷ đồng theo Quyết định 4122/QĐ-BNN-XD ngày 29/9/2014 của Bộ NN&PTNT. Thế nhưng, đến năm 2016 thì dự án nghỉ hẳn, bỏ lại một đại công trình hoang tàn trong nỗi bức xúc của đồng bào xã Hua La. Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 1, đơn vị được Bộ NN&PTNT giao làm chủ đầu tư thì “mất hút”. Nhà thầu thì cũng “biệt tăm”, chỉ còn lại sự hoài nghi cùng với nỗi thất vọng của đồng bào nghèo trong vùng.
Ba năm trở lại đây, dự án “đắp chiếu”, các hạng mục thi công dang dở thì vẫn nham nhở như “gián nhấm”. 10 năm nay, lũ cũng chưa về để người ta thấy được hiệu quả của công trình đang nằm ngắc ngoải giữa miền sơn cước này. Nhiều câu hỏi lớn được đặt ra, đó là bao giờ Dự án Hồ Bản Mòng sẽ được hoàn thiện? Lãnh đạo Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm đến đâu khi để một dự án triển khai “chật vật” suốt một thập niên này để rồi chỉ còn là con số không tròn trĩnh?
|
Dân nghèo “tiến thoái lưỡng nan”
Nhiều năm nay, hơn 300 hộ dân ở hai bản gồm: Lun và Nẹ Tở chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Dự án Hồ Bản Mòng. Họ đi không được mà ở lại cũng chẳng xong. “Lòng hồ đang rất ngổn ngang, chưa có cái gì gọi là hoàn chỉnh cả. Bà con muốn ở lại thì không được mà muốn đi thì lại càng không. Nhà cửa hư hỏng, mối mọt, toàn nhà gỗ thôi. Nếu tháo dỡ đi thì sau này lấy gì để mà chứng minh là mình có tài sản để bồi thường? Còn nếu đi địa điểm mới thì một số chỗ chỉ có nền nhà chưa có điện, chưa có nước, chưa có gì cả. Bà con ở đây kiến nghị rất nhiều rồi”, ông Lò Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Hua La gay gắt.
Ông Tươi cho biết thêm, theo dự kiến sẽ có khoảng 300 hộ ở hai bản: Nẹ Tở, Lun thuộc diện phải di chuyển đến các điểm TĐC gồm: Ten Co Cưởm 1, 2, Ten Đôn và Ten Co Pít. Hơn 20 hộ đã di chuyển đến điểm TĐC Ten Co Pít từ năm 2013 nhưng chưa ổn định cuộc sống. Để có nước dùng, người dân phải đi hứng ở một khe suối cách xa chừng 3km. Các hộ còn lại thì vẫn sống tại nơi ở cũ với nơm nớp âu lo. Quá sức chịu đựng, hơn 20 hộ ở bản Nẹ Tở đành bỏ nhà hoang, di chuyển đến chỗ khác để dựng nhà.
Thấu hiểu nỗi vất vả, khổ cực của đồng bào mình suốt bấy nhiêu năm, nhiều lần ông Quàng Văn Xôm, Trưởng bản Nẹ Tở và ông Lèo Văn Pản, Trưởng bản Lun lại cùng nhau đi “gõ cửa” khắp nơi những mong tìm “lời giải”. Tuy nhiên, cũng chẳng thu được kết quả gì. Mấy hôm nay, ông Xôm lại tiếp tục đi hối thúc vì ở bản có nhà ông Quàng Văn Lắn sắp bị đổ sập. “Chúng tôi rất lo lắng vì hiện tại nhà ông Lắn đã xuống cấp lắm rồi. Nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Tôi mới sang Ban Quản lý dự án TP Sơn La để báo cáo tình hình thì họ bảo vài ngày tới sẽ cho người vào xem. Mùa mưa sắp đến rồi!”, ông Xôm bần thần nói.
Thực hiện chính sách TĐC cho mỗi chương trình, dự án, Đảng và Nhà nước đã xác định rất rõ mục tiêu “đảm bảo cuộc sống người dân TĐC phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ”. Trong khuôn khổ của Dự án Hồ Bản Mòng, các hộ dân nghèo ở xã Hua La đã được hưởng lợi những gì ngoài cuộc sống nhếch nhác kèm theo những nguy hiểm trực chờ trong suốt bao năm trời nay? Đau xót hơn khi hàng trăm tỷ đồng được “gom nhặt” từ những “giọt mồ hôi chát mặn” của nhân dân để đầu tư cho một dự án không hiệu quả. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc làm trên?