Những lô cốt giữa lòng Hà Nội
Bỏ vài tỷ đồng để mua một căn hộ cao cấp trên phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), anh Minh Đức, cư dân sống tại chung cư Hòa Bình Green cho biết, tòa nhà anh sống cao vài chục tầng mà chẳng có được mấy cây xanh.
“Xung quanh tòa nhà chỉ có vỉa hè và lòng đường. Xe cộ và khói bụi ầm ĩ suốt ngày, không khí thì đặc quánh vì thiếu cây xanh. Mỗi khi đi làm về, gia đình thường ở trong căn hộ, đóng cửa bật điều hòa chứ rất ít khi cho con xuống đất chơi”, anh Đức nói.
Còn tại khu Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) có 2 tòa chung cư của Công ty CP xây dựng Vinaconex số 2 được quảng cáo là chung cư cao cấp với hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước, bể bơi… Thế nhưng trên thực tế dù người dân đã vào ở gần 2 năm trời nhưng xung quanh vẫn chỉ là bãi đất bỏ hoang được trưng dụng làm bãi trông giữ ô tô, rửa ô tô ngoài trời.
Đường giao thông nội bộ trong khu cũng không được đầu tư đồng bộ, hệ thống cống, vỉa hè, cây xanh xập xệ, nhếch nhác... Mỗi lần mưa lớn nước ngập sâu bao quanh các tòa nhà, ngập ngụa rác thải, trong khi trời nắng nơi đây tung bụi mù. Nhìn vào 2 khối nhà trơ trọi như những khu lô cốt ngột ngạt, bí bách.
Hay như khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), người dân đã ở kín hàng chục tòa nhà cao tầng, nhưng hiện nay gần như “trắng” hạ tầng xã hội xung quanh như công viên, cây xanh, khu vui chơi. Hiện nay, bao vây xung quanh khu đô thị này là cơ man các chợ cóc, bãi trông giữ xe, gara sửa chữa, bán ô tô, sân đá bóng mini…
Theo khảo sát của phóng viên, tại một số khu đô thị như trung tâm bán đảo Linh Đàm tỷ lệ xây dựng chiếm đến 90%, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tỷ lệ xây dựng khoảng 45 - 50%, nhưng mật độ xây dựng tương đối dày nên không gian dành cho công viên cây xanh cũng bị hạn chế.
Tình trạng này còn xảy ra ở nhiều khu đô thị mới khác và đặc biệt dự án đơn lẻ thì diện tích dành cho cây xanh gần như không có.
Thậm chí các dự án còn điều chỉnh phần diện tích cây xanh như: Dự án Green Pearl (378 Minh Khai, Hà Nội), do Cty CP Phong Phú - Deawon - Thủ Đức làm chủ đầu tư làm diện tích cây xanh tại đây từ 7.600m2giảm xuống còn 2.573,7m2.
Bà Mai Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, đầu tư các mảng xanh tại dự án nhà ở là trách nhiệm của các chủ đầu tư, căn cứ vào quy hoạch chi tiết được duyệt. Ngoài ra, theo quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cơ quan có thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng, trong đó có hạng mục cây xanh. Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện theo đúng thiết kế xây dựng, dự án được thẩm định và phê duyệt. Vì vậy, sẽ không có tình trạng chủ đầu tư “ỷ lại” vào Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng mảng xanh tại các dự án.
“Trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình không có diện tích cây xanh hoặc tỉ lệ hạng mục này thấp hơn so với quy hoạch được duyệt thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Hoặc bị xử lý theo quy định khác của pháp luật khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra công trình”, bà Hương nói.
Ðiệp khúc thiếu trường học
Khu đô thị mới mọc lên nhiều và dù được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng tình trạng thiếu trường học diễn ra tràn lan. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, Dự án nhà ở Tây Nam Linh Đàm chưa xây dựng 2 nhà trẻ mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 2 trường THCS. Ngoài ra, ở một số khu đô thị đã xây dựng công trình hạ tầng xã hội, nhưng quy mô các công trình còn nhỏ so với quy mô dân số…
Tại phường Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, ước tính có khoảng 80 tòa nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng, đón cư dân vào sinh sống. Hạ tầng xã hội của phường Hoàng Liệt đang chịu sức ép của khoảng 7 vạn dân (tương đương với dân số của 3 phường), nhưng mỗi cấp học, phường chỉ có một trường công lập.
Thực trạng thiếu trường, nhất là trường công lập trong các khu đô thị dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống trường có sẵn trên địa bàn. Các trường này được xây dựng để đáp ứng cho người dân vốn sinh sống trên địa bàn. Khi các khu đô thị, khu nhà ở đưa vào hoạt động, lượng dân cư mới đến ở có thể tương đương với dân số của một phường, khiến quá tải cho các trường, lớp công lập.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc xảy ra thiếu trường trong khu đô thị là do trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ đầu tư thường xây nhà trước, xây hạ tầng xã hội sau. Khu đô thị rất nhiều nhưng các trường thì rất thiếu. Tình trạng thiếu trường chủ yếu ở những khu đô thị phát triển mới như khu vực Cầu Giấy, Long Biên... Một nguyên nhân khác khiến các khu đô thị thiếu trường học là trong quy hoạch trường học thường được đưa vào vị trí khó giải phóng mặt bằng.
Ông Vinh cho rằng, ở khâu cấp phép khu đô thị mới yêu cầu xây dựng đầy đủ trường học; phải có chế tài ngay với chủ đầu tư triển khai, yêu cầu xây dựng đầy đủ trường học trong khu đô thị... Đợt tới, trong cải tạo chung cư cũ, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội sẽ tham mưu UBND yêu cầu các chủ đầu tư tính toán đầy đủ hạ tầng kỹ thuật...