Giật mình nhớ Tết quê xưa

GD&TĐ - Những hôm này vừa chớm mùa xuân. Đêm về sáng trở rét, đang thao thức chợt nghe tiếng lợn nhà bên ré lên. Giật mình, mới đó đã hăm ba rồi…

Giật mình nhớ Tết quê xưa

Mặc vào chiếc áo ấm, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Mùi trầm hương phảng phất, ngôi nhà bỗng ấm hẵn lên. Bây giờ tiếng người bên nhà hàng xóm đông vui hơn. Tiếng con lợn bị mổ thịt rống to hơn. Bóc một tờ lịch, hôm nay đến ngày chia thịt tết.

Chuyện là ở quê, trong xóm, nhà nào nuôi lợn nhiều sẽ chọn ra một hoặc hai con to nhất trong chuồng để mổ chia thịt ăn Tết.

Trong năm, hằng tháng, mỗi nhà góp “hụi thịt” cho gia đình mà người ta quen gọi là “chủ thịt”. Sở hụi có thể góp bằng thóc hoặc quy thành tiền cũng được. “Cháo húp quanh, nợ trả dần”- nhờ thế mấy ngày tết ở quê dù khó khăn trong nhà vẫn có thịt làm cỗ cúng, đãi khách cho đến hết mồng bảy hạ nêu.

Thường lệ đến ngày hăm ba đưa ông Táo, người “chủ thịt” báo cho hàng xóm biết thời gian mổ thịt lợn. Một số trai tráng được phân công đảm nhận việc này.

Con lợn được mổ thịt vào lúc hừng đông đến lúc trời sáng thì xong. Bấy giờ đến phiên những người cao tuổi tổ chức lễ cúng xóm tất niên. Họ thường chọn ngã ba nơi đường xóm thông ra đường cái, đặt bàn hương án. Trên mâm cỗ cúng chính giữa đặt cái đầu con lợn vừa luộc chín còn bốc khói, miệng nó ngậm cái đuôi. Mọi người theo tuổi tác sẽ tuần tự dâng lễ cúng, cầu khấn năm mới trong xóm được bình an vô sự, làm ăn phát đạt.

Trong lúc lễ cúng xóm diễn ra, cánh phụ nữ đảm đương việc chia thịt cho bà con và dùng những phần lòng, gan, tim, cật, tiết lợn làm cỗ. Tất nhiên không bao giờ thiếu một nồi cháo lòng lợn để cánh đàn ông nhắm rượu.

Ngày còn bé, đám trẻ con chúng tôi rất khoái cái vụ chia thịt lợn ăn Tết. Không chỉ vì chuyện ăn, mà chúng thích xem mổ lợn, rồi xin cái bao tử để làm quả banh đá với nhau. Muốn được cho, bọn trẻ phải xách nước, đi mua rượu, mua thuốc lá khi người lớn sai vặt.

Trong lúc cúng xóm và chờ chia thịt, mọi người quây quần uống trà, hỏi han nhau chuyện làm ăn trong năm cũ. Những điều xích mích trong xóm giềng với nhau sẽ được bỏ qua hết. Chuyện chia thịt Tết trở thành một dịp để mọi người có cơ hội ngồi lại với nhau, thể hiện tình làng nghĩa xóm.

Buổi chia thịt Tết và cúng xóm, liên hoan tất niên mất khoảng nửa ngày. Sau đó ai về nhà nấy với phần thịt được chia. Bếp quê rần rật đỏ lửa. Các bà chế biến các món ăn, các ông gói bánh chưng bánh tét. Mùi khói bếp thổi rơm rạ quyện với mùi thịt, lan tỏa vào không gian ngày áp Tết, mang lại một điều gì đó mơ hồ như háo hức, rạo rực trước thềm năm mới.

Ngày nay, cuộc sống đủ đầy, ở quê chuyện thịt thà không còn cần thiết như xưa. Việc chia thịt ăn Tết chỉ còn rất ít nơi giữ được.

Những ngôi nhà trước đây được bao bọc bằng những hàng dậu, lũy tre cũng mất đi, thay vào là những bức tường quây kín cao quá đầu người, cổng sắt luôn đóng im ỉm, và nuôi cả...chó dữ.

Sống bên cạnh nhau nhưng nào ai biết ai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...