Nỗ lực đổi mới dạy học
Đây là dự án được thầy Hoàng Long Trọng ấp ủ gần một năm qua, theo thầy, hiện nay việc đổi mới phương pháp dạy học luôn được các giáo viên chú trọng, làm thế nào để các em tiếp cận kiến thức mà không cảm thấy nhàm chán, làm sao để các em hào hứng với tiết học, thích thú khi tới môn học, chủ động trong học tập, vừa kiến thức nhưng giáo viên cũng phải rèn thêm kĩ năng cho các em. Đó là điều thầy Trọng luôn trăn trở và luôn chủ động đổi mới các tiết học, cho HS tham gia các dự án dạy học.
Tiếng gọi từ biển được thực hiện từ tháng 10/2017 - 1/2018 với sự tham gia của HS ba trường: Trường THCS Văn Lang, Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Trường Quốc tế Canada. Đây là dự án liên môn gồm Ngữ văn, Mỹ thuật, Sinh học, liên hệ Địa lý, Lịch sử.
HS tham gia được chia theo nhóm, các em sẽ đóng vai là nhà soạn giả biên soạn bộ tài liệu với nội dung liên quan về ô nhiễm biển, về chủ quyền biển đảo và viết bài nghị luận xã hội về biển với chủ đề: Đối thoại với biển.
Các em còn trổ tài họa sĩ khi vẽ tranh về biển, là nhà sinh học nghiên cứu đa dạng sinh học biển, nhà thiết kế khi thực hiện các cột mốc Hoàng Sa, Trường Sa hay nhà làm phim khi làm phóng sự về biển Cần Giờ, là ca sĩ khi thực hiện MV “Nơi đảo xa” và là một kĩ sư CNTT khi làm web cho dự án.
Quá trình thực hiện, thầy Trọng đánh giá, các em đã phát huy được khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm, trau dồi thêm các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, phát huy được sở trường của từng em khi phân vai.
Đặc biệt, với chuyến đi thực tế tại biển Cần Giờ, HS đã được giao lưu với trường bạn, thể hiện tình yêu với biển từ hành động nhỏ nhất là nhặt rác làm sạch biển… “Nhìn thấy HS vui vẻ, học mà chơi, chơi mà học, có được thêm nhiều bài học bổ ích, trải nghiệm thú vị, bản thân là giáo viên tôi rất hạnh phúc.
Năm ngoái tôi cũng đã thực hiện dự án đi sâu vào tính nhân văn, những câu chuyện xúc động xung quanh các em, năm nay, tham gia dự án, tôi mong học trò của mình sẽ trả lời rõ hai câu hỏi. Thứ nhất, hiện nay môi trường biển đang bị ô nhiễm như thế nào và làm gì để giải quyết vấn đề trên. Và thứ hai, HS nghĩ gì về chủ quyền biển đảo. Từ đó, các em sẽ biết bảo vệ môi trường biển và có những việc làm, hành động cụ thể thiết thực hơn đối với vấn đề chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Chuyến đi thực tế ý nghĩa
Một ngày thực tế ở biển Cần Giờ là phần quan trọng của dự án “Tiếng gọi từ biển”, vì vậy thầy giáo Hoàng Long Trọng cùng các giáo viên phối hợp thực hiện dự án của hai trường bạn.
Theo đó, từ sáng sớm, HS của ba trường đã tạo nên không khí rất sôi nổi khi cùng nhau nhặt rác trên bờ biển Cần Giờ. Kế tiếp, các em cùng thiết kế cột mốc biển đảo, thuyết trình về ý nghĩa của cột mốc, cùng nhau xếp hình bản đồ Việt Nam, hát vang khúc hát “Nơi đảo xa”. Chưa dừng lại ở đó, các em còn được tham quan biển Cần Giờ và vẽ tranh về biển, thuyết trình cho bức tranh của mình trước gần 200 HS của ba trường.
Mỗi nhóm vẽ một bức tranh khác nhau, nhưng hơn hết các em đã truyền đi được thông điệp của mình là hãy bảo vệ biển từ những hành động nhỏ nhất đó là không được xả rác…
Tại điểm dừng chân cuối cùng trong ngày thực tế, các em đã tới tặng sách cho thư viện ước mơ trên địa bàn huyện Cần Giờ.
Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng các em HS đều tỏ ra háo hức, hào hứng tham gia.
Em Nguyễn Đức Hoài Nam, lớp 9/5, Trường THCS Văn Lang, cho biết qua dự án, em thấy bản thân mình cần phải có ý thức bảo vệ biển và tuyên truyền cho mọi người cùng bảo vệ biển. Bên cạnh đó, em còn học được kỹ năng làm việc nhóm, thiết lập kế hoạch cho bản thân, kỹ năng giao tiếp cũng như có trách nhiệm với việc mà mình được giao.
Tương tự, em Nguyễn Phi Long, Trường Quốc tế Canada chia sẻ, đây là dự án ý nghĩa, dù quy mô chưa lớn nhưng với những hành động nhỏ của chúng em như nhặt rác ở biển, vẽ tranh tuyên truyền… sẽ gây được sự chú ý của mọi người và từ đó có thể lan tỏa đi thông điệp mà dự án “Tiếng gọi từ biển” gửi gắm đó là “Xanh biển, xanh rừng, xanh đất nước. Đẹp trường, đẹp phố, đẹp tương lai”.
Là người luôn đồng hành cùng dự án, cô Vũ Thị Phương Chi, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang cho hay, đây là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa. “Thông qua buổi trải nghiệm ngày hôm nay, các em sẽ lĩnh hội nhiều kiến thức từ các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Nhưng quan trọng việc trải nghiệm thực tế này sẽ khiến các em học hỏi được các kỹ năng trong cuộc sống. Thông qua những việc làm rất cụ thể ngày hôm nay, tôi nghĩ rằng, các em sẽ biết yêu biển hơn, yêu quê hương đất nước hơn” - cô Chi cho hay.