Đột nhiên đau bụng sau những bữa ăn thịnh soạn dịp Tết: Cảnh báo căn bệnh nguy hiểm

GD&TĐ - Nhiều người sau những bữa ăn thịnh soạn trong dịp Tết thì đột nhiên gặp cơn đau vùng bụng ập đến.

Biểu hiện của bệnh viêm tụy cấp.
Biểu hiện của bệnh viêm tụy cấp.

Cơn đau diễn ra với cường độ ngày càng gia tăng, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ khám nghi ngờ người bệnh đang bị viêm tụy cấp…

Nguyên nhân

Viêm tụy cấp là một bệnh lý thuộc hệ tiêu hóa khá phức tạp. Điển hình với cơn đau dữ dội ở vùng bụng. Đây là loại bệnh lý xảy ra đột ngột. Tình trạng bệnh lý nặng nề và diễn biến nhanh chóng ngay từ đầu. Khoảng 10 - 15% trường hợp viêm tụy cấp có diễn biến xấu và có thể dẫn đến tử vong.

Theo thống kê, tại Mỹ mỗi năm có khoảng 220 nghìn trường hợp viêm tụy cấp nhập việc cấp cứu. Các nghiên cứu cũng cho thấy, bệnh viêm tụy cấp có khuynh hướng ngày càng gia tăng và thậm chí là tăng gấp đôi trong thập niên gần đây.

Tại Anh, bệnh viêm tụy cấp mỗi năm gia tăng khoảng 3,1%. Tại Hà Lan, giai đoạn 1992 - 2004, bệnh viêm tụy cấp gia tăng đến 75%. Ở Việt Nam, ước tính khoảng 25 - 75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10 - 30% là bệnh viêm tụy cấp nặng.

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm tụy cấp. Tuy nhiên sau đây là hai nguyên nhân thường gặp nhất và chiếm tỉ lệ rất cao:

- Do sỏi hoặc do giun đũa ở đường mật (chiếm 40 - 50%).

- Do bia rượu (chiếm 20 - 30%).

Như vậy xem ra, “bữa ăn thịnh soạn” chính là yếu tố thuận lợi để khởi phát bệnh viêm tụy cấp. Vì sau cuộc chạm cốc tưng bừng, cồn trong bia rượu sẽ gây tác động và đường mật tăng tiết dịch mật có thể làm cho sỏi mật hoặc giun đũa di chuyển gây tác động lên tụy tạng (là bộ phận liên quan thuộc cơ quan tiêu hóa nằm gần đường mật, túi mật).

Ngoài ra, bệnh viêm tụy cấp có có thể xảy ra do các nguyên nhân ít gặp hơn như:

- Chấn thương vùng bụng hoặc phẫu thuật, thủ thuật vùng dạ dày - tá tràng gây ảnh hưởng đến tụy.

- Các bệnh lý mạn tính (tiểu đường, lupus ban đỏ) gây tổn thương các mạch máu nhỏ của tụy.

- Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa gây tăng lipid máu và hội chứng thận hư hay các rối loạn chuyển hóa gây tăng calci máu như cường tuyến cận giáp.

- Do nhiễm siêu vi.

- Do dị ứng hay do tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh hoặc do thuốc lá.

Ăn quá nhiều chất bổ cũng dễ gây viêm tụy cấp. Ảnh minh họa.

Ăn quá nhiều chất bổ cũng dễ gây viêm tụy cấp. Ảnh minh họa.

Bản chất của bệnh

Tụy tạng là một tuyến tiêu hóa, nó có chức năng bài tiết ra một số men để tiêu hóa các loại thức ăn. Các loại men do tụy sản xuất là Amylase, Trysin, Peptidase, Lipase… Trong bệnh viêm tụy cấp, các men đó thay vì có nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn quay lại “tiêu hóa” chính cơ quan sản xuất ra nó. Do đó về bản chất, viêm tụy cấp là một quá trình tự tiêu hủy các tổ chức cấu tạo của tụy do chính men tụy.

Thực ra, tụy tạng đã tự bảo vệ mình bằng cách tiết ra các men dưới dạng gọi là tiền men - nghĩa là một loại men ở dạng chưa hoạt động. Các tiền men này sẽ được kích hoạt để đảm nhận chức năng tiêu hóa khi bài tiết ra khỏi tụy đi vào tá tràng.

Tuy nhiên, vì các nguyên nhân như đã nêu ở trên làm cho các tiền men bị kích hoạt một cách bất thường khi còn đang ở ngay trong tuyến tụy. Thảm họa xảy ra do nhu mô tụy bị tấn công tiêu hủy như là một loại thức ăn được đưa từ bên ngoài vào.

Khi nhu mô tụy bị tiêu hủy, hàng rào ngăn cách bị phá vỡ, các men tụy xâm nhập vào ổ bụng gây xuất huyết hoặc tiết dịch ổ bụng. Men tụy cũng đi vào hệ tuần hoàn đến tàn phá các cơ quan xa hơn như phổi, thận, gan… gây tổn thương và làm suy chức năng của các bộ phận này.

Các tổn thương do hoại tử, xuất huyết tụy và các cơ quan nói trên tạo ra một bệnh cảnh hết sức nặng nề và phức tạp như choáng, viêm phúc mạc, suy hô hấp, suy thận cấp, abces tụy…

Các biểu hiện của bệnh

Đau vùng bụng: Đau vùng bụng là dấu hiệu điển hình, thường gặp và nổi bật nhất của bệnh do tuyến tụy bị căng hoặc do phúc mạc bị viêm vì sự thoát dịch vào ổ bụng. Đau vùng bụng chính là lý do mà người bệnh được đưa đi cấp cứu.

Tính chất cơn đau thường đột ngột, cấp tính và dữ dội sau một bữa ăn được cho là “thịnh soạn” và có nhiều mỡ. Vùng đau nằm ở trên rốn, phía bụng bên trái. Cơn đau có hướng lan ra sau lưng. Người bệnh tự làm nhẹ bớt cơn đau với tư thế gập cong người mà các nhà chuyên môn hình tượng hóa và liên tưởng thành “tư thế cò súng”.

Buồn nôn và nôn: Người bệnh viêm tụy cấp, còn có thể có các biểu hiện khác như: Buồn nôn và nôn với các đặc điểm là nhiều và liên tục. Sau nôn, người bệnh không có cảm giác đỡ đau vùng bụng.

Điều này khác biệt với các bệnh lý đường tiêu hóa khác như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng hay ngộ độc thức ăn. Một số trường hợp nôn ra máu là biểu hiện của bệnh viêm tụy cấp xuất huyết. Trạng thái bệnh lý dẫn đến tình huống xấu và tiên lượng bệnh rất nặng, có thể tử vong trong bối cảnh bị choáng.

Sốt: Nếu sốt xảy ra sớm (2 - 3 ngày đầu) là do sự phản ứng với mô bị hoại tử hoặc do bệnh lý đường mật phối hợp. Nếu sốt xảy ra muộn hơn thì cảnh báo biến chứng của nhiễm trùng nặng như viêm phúc mạc hoặc abces tụy.

Vàng da: Nếu vàng da nhẹ là do sự phù nề của ống dẫn chung gan tụy. Nếu vàng da rõ rệt là do bệnh đường mật đi kèm như sỏi mật hoặc giun chui ống mật.

Tiêu chảy hoặc táo bón: Do rối loạn nhu động ruột. Người bệnh bị chướng nhẹ bụng là do có tình trạng liệt ruột.

Tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi: Tuy ít gặp, nhưng lại tạo ra bệnh cảnh rất nặng nề.

Hướng điều trị và tiên lượng bệnh

Sau đây là các nguyên tắc điều trị bệnh viêm tụy cấp. Cần phối hợp Nội và Ngoại khoa trong điều trị. Ban đầu người bệnh được theo dõi, điều trị bằng hồi sức nội khoa tích cực. Nếu thất bại thì chỉ định can thiệp Ngoại khoa kịp thời ở thời điểm thích hợp do bác sĩ lâm sàng quyết định.

Cho nhịn ăn tuyệt đối để tuyến tụy nghỉ ngơi. Tránh việc kích thích hoạt động tuyến tụy bằng thức ăn hoặc các loại thuốc uống.

Giảm tiết tuyến tụy bằng cách hút dịch dạ dày liên tục và dùng thuốc chống tiết dịch vị có tác dụng làm giảm tiết tuyến tụy.

Truyền dịch nuôi dưỡng, nâng đỡ và hỗ trợ toàn thân.

Kiểm soát sự rối loạn nước, điện giải và thăng bằng kiềm toan của cơ thể người bệnh.

Điều trị các biến chứng (nếu có).

Việc tiên lượng mức độ nặng nhẹ của người mắc bệnh viêm tụy cấp tùy thuộc vào sự xuất hiện của suy các tạng khác trong cơ thể người bệnh, các biến chứng tại chỗ và hệ thống hoặc là sự kết hợp.

Các yếu tố sau đây góp phần mang lại tiên lượng dè dặt cho người bệnh. Bao gồm: Tuổi 60 trở lên; Mắc chứng béo phì, với chỉ số BMI >30; Dùng nhiều bia rượu hoặc mắc chứng nghiện rượu; Có các vấn đề về sức khỏe cộng đồng; Thay đổi trạng thái của tinh thần; Có biểu hiện tràn dịch đa màng.

Nguy cơ lâu dài sau viêm tụy cấp là sự tái phát và tiến triển thành viêm tụy mạn tính. Các nhà chuyên môn cảnh báo việc sử dụng nhiều bia rượu hay nghiện nặng và việc hút thuốc lá sẽ làm gia tăng nguy cơ vị viêm tụy mạn tính.

Phòng bệnh

Hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu và thuốc lá. Phát hiện sớm và điều trị tích cực, hiệu quả các bệnh lý sỏi mật, sỏi tụy và giun sán.

Người bị tăng triglyceride và các rối loạn chuyển hóa khác cần được điều trị thường xuyên và kiểm soát có hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.