Không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp
Ông L.H.K. (45 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long), nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội một ngày sau khi uống bia, kèm theo mệt nhiều, khó thở, không ăn uống được. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tụy cấp nặng kèm theo suy thận, suy hô hấp. Bệnh nhân phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y dược, chạy thận và lọc máu mới qua khỏi cơn nguy kịch.
Tương tự, một ngày sau chầu nhậu với bạn bè, anh N.M.H. (34 tuổi, ngụ TPHCM) đau bụng dữ dội. Chịu không nổi cơn đau quằn quại, anh khám và phải nhập viện vì đã bị hoại tử một phần tụy, viêm tụy cấp.
Thạc sĩ - bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh (Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết: Tại Khoa Nội Tiêu hóa của bệnh viện, các ca bệnh liên quan đến rượu bia chiếm khoảng 50%. Trong đó, số lượng bệnh nhân bị viêm tụy cấp nhập viện chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân tại khoa. Tiếp theo là viêm gan và viêm dạ dày.
Trong khi đó, ghi nhận tại Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), hiện nay, trung bình số bệnh nhân viêm tụy cấp do bia rượu chiếm 20% các trường hợp nằm viện tại khoa. Theo bác sĩ Hồ Tấn Phát - Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, bệnh nhân đa số là nam, từ 25-47 tuổi.
“Tụy là một cơ quan trong ổ bụng, có chức năng tiết ra dịch tụy hay còn gọi là dịch tiêu hóa giúp cho tiêu hóa thức ăn. Chức năng thứ hai là tiết ra một số hoóc môn, quan trọng nhất là tiết ra insulin. Nếu cơ thể không có đủ insulin sẽ gây ra bệnh tiểu đường” - Bác sĩ Minh giải thích.
Bác sĩ Minh cho biết các triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là: Sau khi uống bia rượu, từ 1-3 ngày, người bệnh đột ngột đau bụng dữ dội kèm theo nôn ói, ăn uống không được. Một số trường hợp chỉ bị đau nhẹ nên bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là bị viêm dạ dày.
Người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp. Khi có các triệu chứng viêm tụy cấp, bệnh nhân đều phải nhập viện để điều trị, không thể điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám
Người bệnh viêm tụy cấp nặng có thể suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đến tử vong.
“Người bệnh và gia đình không được chủ quan khi bị viêm tụy cấp. Khi có các triệu chứng như trên, bệnh nhân đều phải nhập viện để điều trị, không thể điều trị ngoại trú hay ở các phòng khám” - Bác sĩ Minh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Minh, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất gây ra viêm tụy là do rượu bia và sỏi mật. Trong đó, những người uống rượu bia thường xuyên có khả năng bệnh viêm tụy cấp rất cao.
Đặc biệt, trường hợp, đã bị viêm tụy cấp do rượu bia nếu sau điều trị còn tiếp tục uống rượu bia nữa vì khả năng tái phát cao và lần sau sẽ nặng hơn những lần trước.
Uống quá nhiều rượu bia, trăm mối đều nguy
Bệnh nhân ngộ độc do uống rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) được điều trị
Bác sĩ Minh cho biết: Rượu bia là thức uống hủy hoại hệ tiêu hóa. Ngoài viêm tụy cấp, những người uống rượu bia thường xuyên và lâu dài sẽ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan; tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản; ung thư đại tràng.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo nhiều trường hợp ngộ độc nguy kịch và tử vong do uống rượu có chứa cồn công nghiệp methanol.
“Nạn nhân uống phải những loại rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) có thể bị ngộ độc rượu: Rối loạn về thị giác như nhìn thấy mờ, nhìn một vật thành hai, hoặc không nhìn thấy, có thể mù mắt. Nặng hơn nạn nhân bị hôn mê, khó thở, suy hô hấp, tụt huyết áp và dẫn đến tử vong”, bác sĩ Minh đánh giá.
Tiêu biểu nhất gần đây là vụ ngộ độc khiến 7 người chết, 24 người nhập viện tại Lai Châu được Bộ Y tế đã xác định nguyên nhân do uống rượu có methanol vượt 5.000 lần quy định.
Đầu tuần này, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng đang điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độc rượu, có hàm lượng methanol trong máu cao.
Các bệnh nhân có hiện tượng mờ mắt, phù não, tổn thương não. Trong đó, có ba bệnh nhân hôn mê, tiên lượng có có thể bị di chứng sau hôn mê kéo dài.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Chỉ nên uống dưới hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai (lon) bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).