Đồng tiền ảnh hưởng đến giáo dục quốc tế như thế nào?

GD&TĐ - Ngày nay, giáo dục được rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm và xem nó như một lĩnh vực đầu tư mang về nhiều nguồn lợi. Vậy, những tổ chức đầu tư, hay nói cụ thể hơn: đồng tiền đã và đang chi phối giáo dục, đặc biệt là giáo dục quốc tế như thế nào?

Đồng tiền ảnh hưởng đến giáo dục quốc tế như thế nào?

Lĩnh vực đầy tiềm năng

“Tất cả các nhà đầu tư trên khắp thế giới đều đang chuyển hướng đầu tư sang giáo dục vì đó là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng và đặc tính đặc biệt”, Rupert Barclay, Trưởng bộ phận giáo dục tại Cairneagle, tập đoàn tư vấn đầu tư quốc tế hàng đầu tại Anh, cho biết.

Theo Barclay, bên cạnh những yếu tố như mức độ rủi ro thấp, khả năng nhận được hỗ trợ từ chính phủ cao thì giáo dục đại học tư thục là một trong những hàng hóa xa xỉ nhưng lại có khả năng mang về nguồn tiền ổn định, bền vững, nhất là khi tầng lớp có thu nhập khá và tầng lớp siêu giàu ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Nhận định này càng được minh chứng rõ ràng hơn khi các phi vụ sáp nhập trung tâm đào tạo giáo dục diễn ra vô cùng mạnh mẽ trong khoảng một thập kỷ qua, với mức độ tăng trưởng lên đến 600% so với những năm 2000.

Chỉ riêng trong cuối năm 2014, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Baird chỉ ra hơn 50 phi vụ sáp nhập và đầu tư giáo dục đại học trên khắp châu Âu và dự báo một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này sẽ diễn ra từ thời điểm ấy cho đến đầu những năm 2020.

Dựa trên xu hướng kết hợp giữa các nhóm trường đại học nhỏ để tạo thành các tổ hợp giáo dục lớn tại châu Âu thì việc đầu tư sáp nhập này cũng là một hoạt động bình thường. Tuy nhiên, điều đáng nói là các khoản đầu tư quốc tế lại chiếm một tỉ trọng không nhỏ trong các phi vụ sáp nhập này.

Các ngôi trường quốc tế, trung tâm ngoại ngữ được thành lập với bộ khung chương trình được xây dựng trên nền tảng quốc tế ra đời với định hướng nhắm vào các tầng lớp siêu giàu tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển tại khu vực Trung Đông, Nam Phi và Đông Á.

“Nền kinh tế quốc tế phát triển mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia phát triển gia tăng thu nhập cũng là lúc xuất hiện hàng trăm triệu người có nguồn tài sản dồi dào, sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động giáo dục đắt đỏ. Đó chính là yếu tố mà các nhà đầu tư quyết định rót những nguồn tiền khổng lồ vào lĩnh vực giáo dục tư thục chất lượng cao”, Fergus Brownlee, chủ tịch Tập đoàn Giáo dục Cambridge, cho biết.

Đây là nhóm phức hợp giáo dục được mua lại bởi tập đoàn đầu tư Bridgepoint vào năm 2013 và đã từng mang về khoản lợi nhuận 14,6 lần cho chủ đầu tư cũ là tập đoàn tài chính Palamon.

Trên thực tế thì các hoạt động đầu tư vào giáo dục đại học tư thục quốc tế đã được nhen nhóm từ nhiều thập kỷ trước và cũng có không ít tổ chức tài chính đã tham gia vào hoạt động này.

Tuy nhiên, cho đến khi quốc tế hóa giáo dục trở thành một hoạt động cố định trong chính sách phát triển giáo dục của hầu hết các quốc gia thì các khoản đầu tư này mới bắt đầu mang về lợi nhuận.

Theo đó, các chương trình đầu tư vào giáo dục tư thục, bao gồm việc xây dựng các trường đại học, trung tâm giáo dục tư thục hay mua lại các trường đại học công lập, chỉ mới tạo ra dòng tiền cho các nhà đầu tư trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Đó cũng chính là thời điểm mà các hoạt động đầu tư, vốn chỉ diễn ra tại các quốc gia có tốc độ phát triển giáo dục cao, lan rộng sang những khu vực khác như Nam Phi, Trung Đông hay Đông Á.

Mặt khác, sự xuất hiện của các nhà tài phiệt tại khu vực Trung Đông hay Nam Phi do quá trình mở rộng quy mô và tốc độ phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ, khoáng sản, đã giúp thị trường đầu tư trở nên sôi nổi hơn với sự góp mặt của những ông lớn mới nổi đến từ các khu vực này.

Chỉ trong vòng 2 năm, các nhà đầu tư của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) như Tập đoàn tài chính Gulf, Fajr, GFH, Tổ chức đầu tư giáo dục Al Najah hay Tập đoàn đầu tư Bahrain Mumtalakat… đã đầu tư để thâu tóm gần như các trung tâm, trường đại học tư thục lớn tại quốc gia này cùng các khu vực lân cận, qua đó tạo thành đế chế đầu tư giáo dục tư thục Trung Đông với tiềm lực không hề thua kém các tập đoàn tài chính phương Tây.

“Chỉ riêng tại khu vực Trung Đông có đến 30 đến 40 nhóm đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học tư thục thông qua việc xây dựng các ngôi trường quốc tế không chỉ trên đất nước mình mà còn hướng đến thị trường quốc tế có tính chuyển dịch cao”, Rupert Barclay, cho biết.

Đầu tư và sáp nhập

Không chỉ đầu tư vào các trường đại học tư thục, những trung tâm ngoại ngữ cũng là mục tiêu mà nhà đầu tư hướng đến khi quyết định đầu tư vào giáo dục. Lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ đã phát triển từ rất sớm và tại các quốc gia có số lượng du học sinh cao thì nhóm ngành đào tạo này lại càng được chú trọng.

Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, khi mà số lượng du học sinh đến từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp thứ hai như khu vực Trung Đông, Nam Phi tăng cao thì các trường ngoại ngữ lại càng có cơ hội phát triển.

Tại các quốc gia có lượng học sinh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Israel, Nigeria, Ai Cập thì các trường ngoại ngữ được đầu tư không kém so với các trung tâm đào tạo đại học.

Điều này khiến các nhà đầu tư cho rằng việc mua lại các trường ngoại ngữ nhỏ để tạo thành chuỗi đào tạo ngoại ngữ quốc gia hay thậm chí là quốc tế sẽ mang về nguồn lợi khổng lồ khi mà nhóm sinh viên từ các quốc gia không sử dụng tiếng Anh ngày càng tăng cao.

Đơn cử như tại Anh hiện đang có khoảng 900 trường và trung tâm đào tạo ngoại ngữ nhưng theo dự đoán của các chuyên gia thì con số ngày sẽ giảm xuống 300 trong khoảng 5 năm tới và sẽ trở thành các hệ thống ngoại ngữ lớn thay vì là từng trường đơn lẻ như hiện tại.

Tương tự thì tại Canada, các trường ngoại ngữ cũng đang được những nhà đầu tư tại châu Á, Ireland hay Úc mua lại để sáp nhập thành các hệ thống đào tạo có tầm vóc và quy mô lớn hơn.

Tiềm ẩn những nguy cơ

Mặc dù đầu tư vào giáo dục tư thục đang trở thành xu hướng và không ít các trường đại học, dù tư thục hay công lập, đều đã nhận thấy được những lợi ích song phương mà nhà trường và người đầu tư sẽ nhận được thông qua các phi vụ mua, sáp nhập giáo dục.

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy hào hứng trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục này. Một số nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục nhỏ cho rằng, hiện trạng đầu tư tràn lan về cả số lượng lẫn chất lượng vào giáo dục đại học hay các trường ngoại ngữ sẽ khiến cho hoạt động của nhà trường chỉ vì lợi ích kinh tế, chú trọng vào lợi nhuận mà bỏ qua các yếu tố cốt lõi của giáo dục.

Bên cạnh đó, việc đầu tư với nguồn kinh phí khổng lồ vào các dự án mà chưa rõ sẽ có thể đem về lợi nhuận, cũng đồng nghĩa các nhà đầu tư đang đặt những sinh viên, nguồn lực lao động tương lai của con người, vào một trò chơi may rủi mà nếu thua cuộc thì không chỉ tổn hại về tiền của mà con đường học tập, làm việc của học viên cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Không chỉ vậy, với việc các nhà đầu tư thường hoạt động trong một lĩnh vực khác, cũng như không phải là người bản xứ nên có thể sẽ không nắm bắt được các yếu tố liên quan đến bản sắc dân tộc, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng… điều thường không được cân nhắc trong các kế hoạch đầu tư nhưng trên thực tế lại ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giảng dạy của trường.

“Khác với bản chất và yếu tố cốt lõi của giáo dục là hướng đến việc tìm những phương pháp tốt nhất để giúp học viên học và nắm bắt được những tri thức mới, các nhà đầu tư thường chỉ tính toán đến việc gia tăng giá trị lợi nhuận của các khoảng đầu tư, cho dù đó là đầu tư vào một lĩnh vực đặc thù như giáo dục”, Till Gins, nhà sáng lập chuỗi trường ngoại ngữ OISE, nhận định.

Có thể nói cùng với công nghệ kỹ thuật số, mô hình đầu tư vào giáo dục đại học tư thục đang khiến cho giáo dục thay đổi rõ rệt. Bên cạnh những ý kiến cho rằng giáo dục và kinh doanh nên tách biệt cũng như có ranh giới rạch ròi thì một số những nhà giáo dục lại cho rằng đó là cách mà giáo dục hiện đại phát triển: mở rộng quy mô, mang tính toàn cầu cũng như tạo ra sự cạnh tranh thúc đẩy chất lượng giáo dục tổng thể.

“Đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học là một phương pháp đầu tư mang tính hợp tác cao và xét trên khía cạnh cải thiện chất lượng giáo dục thì đó là một hình thức nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy, đặc biệt là nhóm sinh viên quốc tế”, Jeffrey Leeds, chủ tịch tập đoàn đầu tư Leeds, chia sẻ.

Theo The Pie News, Economist, Fortune, Business Insider, The Week

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.