Đồng Tháp thả hơn 3,5 tấn cá các loại về với thiên nhiên

GD&TĐ - Ngày 17/12, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Đồng Tháp tổ chức Lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vàm Sở Thượng (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Hình ảnh đại biểu thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vàm Sở Thượng (Đồng Tháp).
Hình ảnh đại biểu thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Vàm Sở Thượng (Đồng Tháp).

Theo đó, có hơn 3,5 tấn được thả về thiên nhiên. Trong đó, cá hô bố mẹ 50kg, cá tra bố mẹ 100kg, cá rô 2 tấn, cá trê giống vàng lai 20kg, cá chép giống 20kg, số còn lại là cá tra giống.

Hoạt động thả cá về thiên nhiên được tổ chức nhằm tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt dần.

Trong năm 2022 kế hoạch cả nước thả hơn 53 triệu con và 150 nghìn kg giống thủy sản vào vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loại thủy sản, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá Trà Sóc, thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cá bống, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh….

Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng.

Hoạt động thả cá giống nhằm tái tạo nguồn thủy sản.

Hoạt động thả cá giống nhằm tái tạo nguồn thủy sản.

Hàng năm, hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn thủy sản được các địa phương tổ chức, tập trung vào các ngày như: Ngày truyền thống ngành Thủy sản, Ngày Môi trường thế giới, dịp lễ Vu Lan, Phật Đản… đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản đã và đang bị khai thác quá mức.

Bên cạnh hoạt động thả cá giống tái tạo của các cơ quan chuyên môn, thả cá giống phóng sinh các loài thủy sản cũng được người dân Việt Nam thực hiện từ bao đời nay. Đây cũng là một nét văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ