Đồng Tháp hướng dẫn việc tiếp nhận và sử dụng thiết bị mầm non hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Đồng Tháp vừa tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn việc tiếp nhận, bảo quản và sử dụng thiết bị giáo dục mầm non hiệu quả. 

Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính

Hội nghị (dưới hình trực tuyến) nhằm hướng dẫn cho các lãnh đạo, chuyên viên: phụ trách thiết bị, phụ trách chuyên môn mầm non; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Kế toán, Nhân viên thiết bị trường học về việc tiếp nhận, bảo quản và sử dụng thiết bị mầm non.

Tại Hội nghị, đại biểu được hướng dẫn cách thức tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thiết bị mầm non, phòng học ngoại ngữ cấp Tiểu học. Qua đây, các đại biểu được chia sẻ, thảo luận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận các thiết bị được cấp phát tại đơn vị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Việc mua sắm trang bị thiết bị mầm non nhằm phục vụ tốt nhất cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các cháu học sinh, để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc, Sở GD&ĐT Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc, Sở GD&ĐT Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị

Vì thế, từng cán bộ, giáo viên, nhân viên hãy trách nhiệm, quan tâm hơn nữa đến việc giúp các thiết bị thực sự phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học được lâu bền, đúng mục đích sử dụng, tạo sự tin tưởng cho lãnh đạo các cấp, cha mẹ trẻ và nhân dân, để từ đó, việc đầu tư cho giáo dục ngày càng được quan tâm, phát triển nhiều hơn.

Bên cạnh đó, đối với các trường được trang bị thiết bị mầm non cần thực hiện việc tập huấn, hướng dẫn lại giáo viên, nhân viên trong nhà trường có sử dụng thiết bị mầm non mà chưa được tập huấn, để đảm bảo công tác triển khai được đồng bộ.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở yêu cầu các Phòng GD&ĐT cần tổ chức giám sát, kiểm tra, hỗ trợ, tư vấn các cơ sở giáo dục mầm non trong việc mua sắm, tự làm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học về số lượng, chất lượng, tiến độ và công tác tập huấn, bảo quản, sử dụng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học... Có sự phân công rõ ràng giữa các cá nhân phụ trách và tổ chức thực hiện nghiêm túc.

Đồng thời, các trường cần lưu ý vấn đề an toàn cho trẻ và giáo viên khi sử dụng các thiết bị, cũng như việc bảo quản thiết bị sao cho đúng cách, đúng quy định để tuổi thọ của thiết bị, đồ dùng được lâu dài.

Các trường cần sắp xếp nơi phù hợp để bố trí thiết bị đồ dùng; Kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị kịp thời. Song song đó tăng cường công tác chỉ đạo nâng cao ý thức bảo quản thiết bị. Khai thác tối đa hiệu quả của các thiết bị dạy học, tránh lãng phí; Trong quá trình vận hành khi cần hỗ trợ tư vấn cần thông tin kịp thời về Phòng, Sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ